Theo Neowin, trong báo cáo của mình, hãng nghiên cứu Canalys nói trong quý 2, tổng doanh số PC và máy tính xách tay đã giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 62,1 triệu chiếc. Trong quý 1/2023 và quý 4/2022, doanh số PC giảm hơn 30%, do đó việc sụt giảm xuống mức dưới 12% được cho là tin tức cực cho các nhà sản xuất. Dựa vào kết quả này, Canalys tin rằng đó là dấu hiệu cho thấy thị trường đang trên đà phục hồi nhanh chóng trong nửa cuối năm nay.
Nhà phân tích chính Ishan Dutt tại Canalys cho biết: “Thị trường PC đang có những dấu hiệu sớm phục hồi sau một giai đoạn khó khăn. Mặc dù sản lượng bán ra dự kiến giảm trong quý 2/2023 nhưng có dấu hiệu cho thấy nhiều vấn đề ảnh hưởng đến lĩnh vực này đang bắt đầu giảm bớt”.
“Trong khi tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn còn khó khăn, các công ty chủ chốt trong ngành đã chỉ ra thực tế rằng tỷ lệ kích hoạt máy tính mới đối với người dùng cuối đang trở nên mạnh mẽ hơn. Khi các điều kiện được cải thiện, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ phân bổ lại khoản chi tiêu không hoạt động để thực hiện các bước nâng cấp cho thị trường PC. Vào quý 2/2023, sự trở lại của nguồn tài trợ từ khu vực công đã giúp thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ về máy tính”, Ishan Dutt nhận xét.
Canalys cho rằng sự sụt giảm trên thị trường PC toàn cầu đã chậm lại và Apple đánh bại thị trường với mức tăng 51% nhờ MacBook Air 15 inch vừa ra mắt.
Số liệu của Canalys cho thấy Apple bán được 6,8 triệu máy tính, thị phần tăng từ 6,4% lên 11% trong vòng một năm do các trở ngại chuỗi cung ứng được xử lý và hưởng lợi từ nhu cầu MacBook Air mới. Doanh số Lenovo giảm 18,1%.
Nhà nghiên cứu Kieren Jessop của Canalys cho biết lượng hàng tồn kho đã giảm trong quý 2. Tất cả phân khúc khách hàng sẽ cải thiện trong thời gian còn lại của năm 2023. Dù vậy, Canalys vẫn dự báo doanh số PC cả năm 2023 thấp hơn năm 2022 do người dùng ưu tiên cho những mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh lạm phát cao và lãi suất tăng.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu thị trường tại IDC vừa báo cáo rằng doanh số bán máy tính cá nhân đã giảm 13,4% trong quý 2/2023, giảm quý thứ sáu liên tiếp.
Công ty IDC đã đưa ra nguyên nhân cho sự suy giảm này là do những khó khăn về kinh tế vĩ mô, nhu cầu yếu nói chung và sự thay đổi ngân sách CNTT. Các yếu tố này đã khiến cho việc mua sắm thiết bị máy tính lao dốc không có điểm dừng.
Jitesh Ubrani, giám đốc nghiên cứu của IDC cho biết: "Nhiều nhà cung cấp linh kiện vẫn tiếp tục giảm giá trong nỗ lực giải phóng hàng tồn kho của họ, trong khi đó, các nhà sản xuất PC và các kênh phân phối vẫn thận trọng với các sản phẩm mới do nhu cầu giảm."
Theo số liệu của IDC, Lenovo vẫn là nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới. IDC cho biết thêm, Apple là công ty duy nhất trong năm công ty hàng đầu có mức tăng trưởng trong khi hầu hết các công ty khác, ngoại trừ HP, đều có doanh số bán hàng giảm hai con số trong quý.
Apple là nhà sản xuất PC duy nhất trong top 5 ghi nhận tăng trưởng với mức tăng 10,3%. Máy tính Mac chiếm 8,6% thị phần PC thế giới nhờ 5,3 triệu đơn vị xuất xưởng chỉ riêng trong quý 2.
Dù giá đắt, máy tính của Apple vẫn có lượng người dùng trung thành. Công ty tiếp tục phát triển chipset riêng để giảm hoàn toàn phụ thuộc vào Intel. Vào tháng 6, “Táo khuyết” giới thiệu Mac Pro mới trang bị chip M2 Ultra.
Thu Phương (t/h)