Nghèo vì “lỡ” dính quy hoạch
Chúng tôi tới Âp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh vào một chiều thu, men theo con đường được trải nhựa, cỏ hai bên mọc um tùm phủ lấn mặt đường, có đoạn, chỉ đủ cho 2 chiếc xe máy tránh nhau. Theo người dân ở đây cho biết, dạo này cỏ mọc che lấp cả đường đi là do gần đây không có ai dọn dẹp, cắt cỏ.
Dọc hai bên đường liên ấp là những mái nhà lợp tôn cũ kỹ đã có dấu hiệu mục nát xen giữa rừng dừa nước. Nhiều căn nhà chỉ dùng lá dừa để lợp và ngăn vách. Chỉ cách trung tâm thành phố vài chục km nhưng cuộc sống của các hộ dân nơi đây khác xa với sự phồn hoa của đô thị.
Căn nhà của anh Lê Văn Tân (Ấp 3, Đa Phước, Bình Chánh) gần đổ sập vì không được sửa chữa.
Ngồi trong căn nhà rộng khoảng 50m2 gần đổ sập, anh Lê Văn Tân than thở với chúng tôi, gia đình anh sinh sống ở đây khá lâu, sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Trước đây nhà nước có thông báo sẽ di dời nhà cửa, thu hồi đất để làm dự án. Chính quyền địa phương cũng về kiểm kê tài sản, đo đạc diện tích đất để đền bù nhưng đến nay đã gần 10 năm không thấy thông báo có thu hồi nữa hay không? Nhà cửa xuống cấp thì không cho sửa lại.
“Nhà tôi có 4 người, 2 cháu lớn thì đi làm trên thành phố, bản thân tôi bị đau cột sống, thường xuyên phải thuốc men không thể làm công việc nặng được. Căn nhà này gần đổ sập tôi phải chống để ở tạm, cứ mưa là dột ướt khắp nơi, đến mùa nước lên là ngập hết. Tôi mong muốn nhà nước sớm đền bù để cho chúng tôi tìm cuộc sống mới. Nếu không thu hồi nữa thì cũng thông báo để tôi sửa sang lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn”, anh Tân chia sẻ thêm.
5 thành viên gia đình anh Tân đang sinh sống trong căn chòi lá chật hẹp.
Do gia đình nhà anh Tân thuộc vùng quy hoạch nên không thể cất nhà mới hay sửa chữa được, buộc anh phải dựng tạm một chiếc chòi lá kế bên phòng khi nhà sập còn có cái để ở.
Tương tự, gia đình anh Phạm Văn Chung (Ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) đã sinh sống ở đây mấy chục năm, canh tác bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Cuộc sống hiện tại vô cùng khó khăn do nhà anh Chung cũng thuộc diện quy hoạch Vành đai xanh. Kể từ khi có thông báo gia đình thuộc vùng quy hoạch để nhà nước thu hồi đất xây dựng Vành đai xanh Khu liên hợp xử lý rác thải rắn Đa Phước mọi ý định về xây cất, sửa chữa nhà bị đóng lại. Thay vào đó là dự định về một ngôi nhà mới ở vùng đất khác sau khi được đền bù. Nhưng dự định đó đang gác lại gần 10 năm nay và chưa biết đến khi nào mới có thể đi hay ở?
“Tôi cũng có nghe thông báo thuộc vùng quy hoạch nhiều năm nay nhưng không thấy đâu. Gia đình cũng được mời lên xã để kê khai tài sản, kiểm đếm cây trồng nhưng không thấy nhắc gì đến giá cả đền bù ra sao? Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, đường xá thì đi lại khó khăn, nhất là về mùa mưa không thể đi được”, anh Chung nói.
Cũng theo anh Chung, phần lớn các hộ dân ở đây đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo thu nhập bấp bênh, đời sống vô vàn khó khăn. Có hộ muốn chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng nhà cửa, đất đai không bán cho ai được do dính quy hoạch. Muốn vay vốn làm ăn để phát triển kinh tế thì không thể cầm cố tài sản với ngân hàng.
Không chỉ cuộc sống ngày càng lay lắt vì vướng quy hoạch, nhiều năm nay các hộ dân ở đây còn bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối từ khu Khu liên hợp xử lý rác thải rắn Đa Phước. Đặc biệt là vào khoảng tháng 9, gió từ khu xử lý rác thổi về gây mùi khó chịu, ruồi muỗi xuất hiện nhiều.
Người dân nghi ngờ mùi hôi thối xuất hiện từ công ty xử lý bùn thải, phân hầm cầu.
Anh Tâm cho biết, vài năm trước cứ hễ gió từ hướng khu xử lý rác thổi về là mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Sau khi phản ánh, họ có che chắn bạt kín thì mùi giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, gần đây lại xuất hiện mùi hôi thối hơn, giống như phân hầm cầu, phân heo khiến cho người dân hoang mang.
“Tôi thấy gần đây xuất hiện mùi hôi thối nghiêm trọng hơn, không giống như mùi rác thải vài năm trước, giống như mùi phân heo, phân hầm cầu. Có thể khu vực đó có thêm công ty chứa phân nào đó”, anh Tâm nhận định.
Vành đai xanh bao giờ triển khai?
Đó là một dấu hỏi lớn không chỉ với người dân sinh sống trong vùng quy hoạch, với các đơn vị liên quan tại Khu liên hợp xử lý rác thải rắn Đa Phước mà còn với chính quyền TP HCM.
Theo hợp đồng ký kết giữa Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) với các cơ quan chức năng của TP HCM liên quan đến dự án Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, thành phố có trách nhiệm quy hoạch, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và trồng cây xanh cách ly với tổng diện tích trên 300 hecta. Dự án khi triển khai sẽ ảnh hưởng trực tiến đến khoảng gần 800 hộ dân sinh sống quanh bãi rác Đa Phước.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước không chỉ có bãi rác của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), mà còn có 2 đơn vị khác là Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (Nhà máy bùn thải Sài Gòn Xanh) và Công ty CP Dịch vụ Môi trường đô thị Hòa Bình (Nhà máy xử lý phân hầm cầu Hòa Bình).
Để triển khai dự án này, UBND huyện Bình Chánh có trách nhiệm thống kê đất đai các hộ dân liên quan và triển khai. Đồng thời, vào thời điểm cách đây hơn 10 năm, tổng dự toán cho dự án vành đai cây xanh cách ly ước khoảng 1.069 tỷ đồng (đã được thành phố đưa vào nguồn vốn trung hạn).
Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, dự án vẫn nằm yên tại chỗ, VWS đã nhiều lần đề nghị UBND TP HCM cho phép công ty thực hiện dự án này bằng nguồn vốn của mình theo hình thức đổi dự án lấy ưu đãi nhưng đến nay do nhiều nguyên nhân khách quan chưa thực hiện được. Hiện tại dự án chỉ riêng phần đền bù đã đội giá trị lên hơn 2.000 tỷ đồng và đến nay vẫn chưa biết ngày triển khai chính thức.
Tháng 5/2019, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM đã có chuyến làm việc khảo sát tiến độ triển khai thực hiện Dự án vành đai cây xanh cách ly xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước theo quy hoạch được duyệt và giải quyết đơn thư của cử tri liên quan đến dự án đầu tư công trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Báo cáo tại buổi khảo sát, ông Phạm Lương Bằng, đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh cho biết, hiện dự án vành đai cây xanh cách ly xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước ảnh hưởng đến 772 hộ dân. Huyện Bình Chánh đã có điều chỉnh số vốn cho dự án này lên 2.200 tỷ đồng (tăng hơn 50%) so với số vốn ban đầu (1.080 tỷ đồng)
Theo đại diện huyện Bình Chánh, đầu tháng 3/2019, huyện cũng đã trình lên lãnh đạo Thành phố về điều chỉnh số vốn đầu tư dự án cũng như giá đền bù cho người dân. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề bố trí tái định cư cho 772 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Mùi hôi từ 2 công ty trên cũng cần được kiểm tra làm rõ trách nhiệm.
Dự án vành đai cây xanh cách ly xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước được HĐND TP HCM thông qua (giai đoạn đầu tư 2016-2019). HĐND TP HCM cũng đã ưu tiên bố trí vốn cho dự án 902 tỷ đồng.
Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM cho biết, các dự án nói trên được lãnh đạo TP HCM rất quan tâm, tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện dự án. HĐND TP HCM cũng rất quan tâm, bố trí vốn trung hạn cũng ưu tiên nhưng đến giờ các dự án vẫn triển khai rất chậm, chưa làm được.
“Việc này làm ảnh hưởng đến những dự án khác, trong khi các dự án khác đang thiếu vốn để làm. Do đó, đề nghị các sở ban ngành quan tâm suy nghĩ và phối hợp tốt hơn để sớm triển khai các dự án”, ông Phước đề nghị.
Chúng tôi chia tay bà con vùng ấp 3, xã Đa Phước khi hoàng hôn đã buông xuống, những ánh đèn cũng sang lên trong những căn nhà cũ nát. Chưa biết bao giờ dự án Vành đai xanh được triển khai để cuộc sống những hộ dân nơi đây vơi đi khó khăn, vất vã. Hiện tại, họ vẫn phải sống lay lắt với quy hoạch treo.
Kim Cường