Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn sôi động nhất từ trước đến nay với thanh khoản qua kênh khớp lệnh thường duy trì trên 10.000 tỷ đồng. Dòng tiền dồi dào đổ vào thị trường đẩy nhiều cổ phiếu tăng mạnh, thậm chí vượt đỉnh, trong đó có thể kể đến cổ phiếu VCB của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Cụ thể, cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank tiếp tục tăng giá, lên 99.900 đồng/cổ phiếu. So với đáy hồi tháng 3/2020, Vietcombank đã tăng giá khoảng 77%. Đây cũng là giá cao nhất từ trước đến nay của Vietcombank (tính theo giá điều chỉnh).
Đáng chú ý, với việc liên tục tăng giá thời gian gần đây, Vietcombank đã vượt qua Vingroup để trở thành DN có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Theo số liệu thống kê, Vietcombank trước đó cũng đã vượt qua Vingroup vào phiên giao dịch ngày 10/12, nhưng sau đó lại tụt hạng trong phiên 11/12.
So với thời điểm trước khi thị trường chứng khoán rơi xuống đáy trong tháng 3 vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, cổ phiếu Vietcombank hiện tại đã cao hơn cả vùng giá 84.500 đồng đầu tháng 3. Ngược lại, cổ phiếu Vingroup cũng hồi phục đáng kể nhưng vẫn chưa quay lại mốc 105.000 đồng trước dịch.
Vietcombank từng là doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán vào năm 2009. Vị trí này sau đó chuyển sang Bảo Việt, PV Gas, Vinamilk. Năm 2017, Vingroup trở thành doanh nghiệp có giá trị niêm yết lớn nhất và giữ ngôi vị này đến nay trước khi nhường lại cho Vietcombank.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt, quý cuối năm 2020 Vietcombank có thể sẽ chứng kiến một kết quả tích cực đáng kể nhờ ghi nhận phí trả trước. Rồng Việt ước tính lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 23% trong quý cuối năm, trong đó thu nhập bất thường đóng góp 22%. Năm 2020, Rồng Việt ước tính lợi nhuận trước thuế tăng trưởng âm -2%, trong khi thu nhập hoạt động tăng nhẹ 5%. Điều này là do OPEX tăng 6% và chi phí dự phòng tăng 24%.
Năm 2021, Rồng Việt kỳ vọng rằng việc kiểm soát được đại dịch sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và hoạt động cho vay của Vietcombank. Rồng Việt dự báo tín dụng của Vietcombank sẽ tăng trưởng 13-15%, do nhu cầu vay trở lại và đợt tăng vốn Vietcombank thông qua đợt phát hành riêng lẻ, mà Rồng Việt giả định trong mô hình một đợt bán vốn bằng 50% kế hoạch (kế hoạch là 6,5% vốn điều lệ) với mức giá 80.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài đà tăng trưởng cho vay mạnh mẽ kéo theo NIM phục hồi, Rồng Việt dự đoán chênh lệch tăng trưởng cho vay và huy động vẫn duy trì ở mức dương (2-3%) do thanh khoản dồi dào. Lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trưởng 16% (26.375 tỷ đồng), trong khi chi phí tín dụng tăng với tốc độ chậm hơn (+4%) do nền so sánh cao.
Sắp tới Vietcombank sẽ chi khoảng 3.000 tỷ đồng tiền mặt để trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 800 đồng/cổ phiếu.
LyLy