Tiếp nối hành trình giúp tiểu thương Việt “vượt sóng” nền kinh tế số, SmartPay tung ra “mảnh ghép” quan trọng với sự ra mắt của thiết bị thanh toán đa năng SmartPOS - sản phẩm mới chính thức ra mắt từ ngày 13 tháng 09 năm 2022.
Chia sẻ về tham vọng chiếm lĩnh thị trường của SmartPay và việc ra mắt sản phẩm mới, ông Marek Forysiak - Chủ tịch và Nhà sáng lập SmartPay cho biết: “Mục tiêu của SmartPay trong 3 năm tới là đạt hơn 8 tỷ USD tổng giá trị giao dịch thông qua việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa kênh. Đồng thời, SmartPay kỳ vọng sẽ mở rộng đến 2,4 triệu điểm chấp nhận thanh toán, qua đó giúp cho hơn 50% dân số cả nước có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện.
Để làm được điều này, chúng tôi luôn chú trọng vào việc cải tiến những sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá và đem lại giá trị vượt trội cho nhà bán hàng như SmartPOS – một thiết bị thanh toán đa năng chính thức ra mắt vào tháng 9/2022 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu cho hơn 350,000 tiểu thương trong vòng 3 năm tới.”
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng nhu cầu thiết bị POS đến Quý 2/2022 là 1,2 triệu thiết bị, trong khi đó, nguồn cung chỉ khoảng 364 nghìn thiết bị. Tuy nhu cầu sử dụng máy POS rất cao, nhưng những hạn chế về nguồn cung, chi phí mua thiết bị cao hay điều kiện đăng ký sử dụng khó khăn đã khiến nhiều nhà bán hàng khó có thể tiếp cận.
Giám đốc SmartPOS, ông Nguyễn Đình Nghĩa cho biết để tập trung vào phân khúc các nhà bán hàng vừa và nhỏ. SmartPay cung cấp nhiều giải pháp cho các nhà bán. Chẳng hạn như chúng tôi có ví điện tử SmartPay, và từ nay sẽ là máy SmartPOS – tích hợp tất cả các tính năng & phương tiện thanh toán trên 1 thiết bị. Ngoài ra còn có các dịch vụ tín dụng khác linh hoạt cho nhiều đối tượng khác nhau như mua trước trả sau, mọi thứ đều được tối ưu tốt nhất cho các merchants (thương gia thành viên) của SmartPay. Với lợi thế chỉ tập trung vào 1 phân khúc, SmartPay có thể phát triển các sản phẩm tốt nhất và phù hợp nhất xoay quanh nhu cầu của các nhà bán hàng vừa và nhỏ.
Máy SmartPOS vẫn là khái niệm mới vài năm trở lại đây. Ở trên thế giới đã có nhưng chưa quá phổ biến. Kể cả ở thị trường Việt Nam, khi đi siêu thị và ở các điểm mua sắm lớn thì các máy POS chủ yếu phục vụ cho việc thanh toán mà chưa có tích hợp nhiều tiện ích như máy SmartPOS.
Để đạt mục tiêu đặt ra, SmartPay cho biết đã nghiên cứu và nhận thấy tới quý 2-2022 Việt Nam sẽ có 300,000 thiết bị POS (theo thống kê nhà nước). Giao dịch bình quân của 1 máy POS sẽ tầm 1,6 triệu VND/tháng và mỗi máy POS sẽ có trung bình 134 giao dịch/tháng. Điều này cho thấy các máy POS được đặt chủ yếu ở những cửa hàng lớn với lượng giao dịch và giá trị giao dịch khá cao.
"Trong khi đó, các tiểu thương thường có nhiều giao dịch buôn bán nhưng giá trị không phải quá cao. Theo nhu cầu thị trường thì để toàn bộ Việt Nam có được một hạ tầng thanh toán toàn diện thì cần khoảng 1,2 triệu máy POS nhưng chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội. SmartPay mong muốn trải dài hết 63 tỉnh thành không chỉ riêng hai thành phố lớn. Đó là lý do chúng tôi tin mình sẽ đạt được con số đặt ra. Chúng tôi làm việc với các đối tác bán lẻ và các đối tác ngân hàng, chúng tôi sẽ mở rộng và triển khai các dịch vụ của mình cho nên tới 2025, chúng tôi nghĩ mục tiêu của mình là hoàn toàn khả thi.", ông Nghĩa cho hay.
La Hằng