Warner Bros - công ty sản xuất phim lớn hàng đầu thế giới, đứng sau hàng loạt các bộ phim bom tấn, vừa thông báo một chiến lược gây chú ý đó là một số bộ phim ăn khách của năm sau sẽ được công chiếu ngoài rạp và trên nền tảng trực tuyến cùng 1 ngày. Đây được coi là cú sốc với Hollywood, đặc biệt với ngành công nghiệp rạp chiếu phim vốn đã thiệt hại nặng nề từ đầu năm do dịch bệnh.
Hãng Warner Bros. tuyên bố Wonder Woman 1984 không phải là bom tấn duy nhất của họ cùng lúc ra mắt khán giả ngoài rạp và trực tuyến tại Mỹ.
Theo đó, người dân Mỹ khi đăng ký gói 14 USD/tháng sẽ có thể thưởng thức tất cả bom tấn của Warner Bros. trong năm sau, bao gồm Dune, The Suicide Squad, The Matrix 4, Godzilla vs. Kong, Mortal Kombat, The Conjuring: The Devil Made Me Do It... mà không phải rời khỏi nhà.
Đây có thể là tin vui đối với nhiều khán giả nước Mỹ. Song, nó đồng thời là quả bom giáng xuống mô hình kinh doanh rạp chiếu phim truyền thống và có thể tạo ra sự thay đổi lớn đối với ngành điện ảnh trong tương lai.
Vị thế của rạp chiếu phim không còn được như trước
Ngành công nghiệp chiếu phim đã có tuổi đời hơn một thế kỷ với những hãng phim và đơn vị phát hành phim lâu đời. Hollywood là cái nôi sản sinh ra nhiều bộ phim đa dạng màu sắc từ tâm lý chính kịch đến hành động giải trí...Tuy nhiên, cùng với việc tăng cường những nội dung mới phục vụ khán giả, kinh phí sản xuất của các tác phẩm điện ảnh cũng vì thế mà bị đội lên nhiều lần.
Việc ra mắt một bộ phim ở thời điểm hiện tại tốn kém không chỉ tiền bạc mà còn công sức của rất nhiều con người từ ekip sản xuất, diễn viên đến khâu truyền thông, tiếp thị và phục vụ tiêu thụ cuối cùng. Theo ước tính, để quảng bá một bộ phim bom tấn ở thời điểm hiện tại, các nhà phát hành phải chi ra số tiền gần bằng hoặc thậm chí có trường hợp còn lớn hơn cả kinh phí sản xuất bộ phim. Chưa kể đến việc chia lại doanh thu bán vé cho nhà rạp cũng như trả lãi ngân hàng (do việc vay mượn tiền trong quá trình đầu tư), sự mất giá, chênh lệch tỉ giá đồng tiền... mỗi tác phẩm nếu càng bị trì hoãn thời gian phát hành càng lâu, mức yêu cầu doanh thu (ít nhất là điểm hòa vốn) sẽ bị tịnh tiến lớn dần khi mỗi ngày không thể ra rạp qua đi.
Năm 2020 chứng kiến một trong những thay đổi lớn của ngành công nghiệp chiếu phim toàn cầu khi mà nhiều nhà rạp đã phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Khi người xem không thể ra rạp, các bom tấn lớn không được phát hành, thách thức đưa ra là làm sao vừa có thể duy trì tính hiện diện của mô hình kinh doanh hiện tại cho đến khi dịch bệnh qua đi vừa có thể chi trả những chi phí đắt đỏ như mặt bằng lớn, lượng nhân viên phục vụ nhiều và cả các hợp đồng sản xuất phim đã kí kết.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khái niệm “Theatrical Window” dùng để chỉ khoảng thời gian nhất định một bộ phim phải chiếu rạp trước khi nó được tung lên hệ thống online. Điều đó đảm bảo doanh thu cho rạp chiếu và ngăn chặn nạn tải phim lậu. Thông thường, quy định chung là phim cần chiếu ngoài rạp 90 ngày (3 tháng) trước khi được đưa lên hệ thống online.
Dịch bệnh bùng phát đầu năm nay khiến hệ thống rạp chiếu phim điêu đứng, phải đóng cửa vô thời hạn. Đứng trước tình hình này, các nhà sản xuất nhận ra họ phải làm điều gì đó.
Vào tháng 4, Universal quyết định tung Trolls World Tour lên các hệ thống VOD. Bộ phim hoạt hình thu hơn 100 triệu USD từ tiền thuê phim kể từ khi ra mắt trực tuyến. Thành công (online) của tác phẩm chính là giọt nước tràn ly khiến AMC - hệ thống cụm rạp chiếu phim lớn nhất nước Mỹ - quyết định từ chối toàn bộ phim của Universal như một động thái phản đối.
Dầu vậy, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài. Các chủ rạp chiếu phim hiểu rằng vị thế của mình đã không còn như trước. Họ khó có thể đòi hỏi nhà sản xuất tiếp tục chờ đợi hết dịch bệnh để đem phim của mình đi chiếu, thay vì cho tác phẩm ra mắt trên hệ thống trực tuyến - nơi chắc chắn có một bộ phận khán giả luôn hào hứng chào đón và sẵn sàng trả tiền để thưởng thức tại nhà.
Wonder Woman 1984 là ví dụ khi các hệ thống rạp chiếu phim chịu nhượng bộ trước Warner Bros. để bom tấn có thể ra rạp đồng thời với chiếu trực tuyến. Tưởng như đây chỉ là một ngoại lệ trong tình hình kinh doanh ảm đạm của cả năm 2020. Nhưng Warner Bros. đã sớm đẩy mọi chuyện đi xa hơn rất nhiều. Họ tuyên bố sẽ giữ nguyên chiến lược cho chuỗi tác phẩm năm 2021, kể cả dịch bệnh có diễn biến tích cực.
Tìm hướng đi mới để thu hút khán giả
Sau Warner Bros., các nhà phát hành khác nhiều khả năng tiếp tục chọn mô hình này. Nhắc đến rạp chiếu phim, nhiều người trong chúng ta nghĩ trải nghiệm điện ảnh là không thể thay thế và sẽ có không ít chia sẻ quan điểm đó. Hay có những bộ phim được làm ra để thưởng thức tại rạp, và những người yêu mến rồi sẽ quay lại rạp chiếu khi dịch bệnh qua đi. Hay được trải qua gần hai tiếng mãn nhãn về âm thanh và hình ảnh cùng hàng chục, hàng trăm người lạ là điều gì đó đặc biệt.Nhưng liệu chúng ta có đang tư duy thay cho đám đông?Theo nghiên cứu của Variety, có tới 70% số người được hỏi trả lời rằng nếu được lựa chọn, họ thà xem phim tại nhà. Ở Mỹ, nơi một rạp chiếu phim có thể cách nhà đến hàng giờ lái xe, phải tốn hàng trăm USD để mua vé, bỏng nước, phí đỗ xe, thì một dịch vụ trực tuyến cung cấp các phim bom tấn tại gia lại là một lựa chọn hợp lý và tiết kiệm.
Ai mà quan tâm đến trải nghiệm điện ảnh, trong khi họ thậm chí còn chẳng có đủ thời gian để đi làm kiếm tiền nuôi gia đình? Cùng với nỗi sợ có mặt ở nơi đông người trong bối cảnh dịch bệnh, cách chúng ta giải trí trước màn ảnh đã và đang thay đổi đến chóng mặt.
Đi đến rạp chiếu phim trong những năm tới có thể giống như tham dự một buổi nhạc kịch. Nhà hát, từ một hình thức giải trí đại trà trong quá khứ, nay đã trở thành loại hình dành cho một nhóm người đặc thù về gu thưởng thức và có điều kiện. Có thể rạp chiếu sẽ không biến mất hoàn toàn, nhưng buộc phải tìm cách thay đổi để hướng đến đối tượng khán giả mới.
Rạp chiếu phim cũng cần phải thích nghi như thế, nếu không muốn đối mặt với tương lai u ám đã thấy trước. Đó có thể là việc bổ sung giá trị vào trải nghiệm khách hàng (dine-in theater - những rạp chiếu kết hợp với nhà hàng), giảm giá thành (drive-in theater - rạp chiếu dựng lên ở khu đỗ xe...).
Hình thức tổ chức sự kiện tại rạp, thuê cả rạp cho nhóm đông người hoặc rạp chiếu lưu động có thể trở nên phổ biến hơn trong tương lai để đáp ứng với hành vi thay đổi của người dùng. Giá vé có thể đắt hơn nhiều giá tiền hiện nay, nhưng đi kèm với đó là giá trị dịch vụ đem tới.
Tất cả chỉ là lý thuyết, bởi không giống như công viên chủ đề hay du thuyền - những loại hình giải trí bị tê liệt vì dịch bệnh nhưng có thể bùng nổ trở lại ngay khi mọi thứ trở lại bình thường, xem phim rạp là loại hình giải trí có thể thay thế.
Xem phim ở nhà hóa ra lại thuận tiện và rẻ hơn rất nhiều. Điều này khiến việc các rạp chiếu nỗ lực để trở lại nghe giống như một tập Nhiệm vụ bất khả thi của Tom Cruise. Hollywood có được thành công như ngày nay có đóng góp không hề nhỏ của các rạp chiếu. Chúng đã trở thành một phần của văn hóa và lịch sử.
Chưa kể đến những đóng góp mà hệ thống rạp chiếu phim tạo ra khi cung cấp hàng triệu việc làm, đưa đến những cuộc cách mạng về nghe - nhìn, thì bức tranh tương lai lại càng thêm chua chát.
Bảo Bảo