Báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước chú trọng và tăng cường nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng. Từ đó, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch thanh tra năm 2022 và năm 2023, trong đó tập trung thanh tra chuyên đề đối với những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng như: Việc cấp tín dụng đối với khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng, trái phiếu, nợ xấu cao, các khách hàng và nhóm khách hàng có dư nợ lớn mới phát sinh, việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, các khoản lãi và phí phải thu lớn; thực hiện thanh tra một số ngân hàng thương mại về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng;...
Trong năm 2022, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã triển khai 1.420 cuộc thanh tra, kiểm tra, gồm 1.034 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và 385 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Trong quý I/2023, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai 371 cuộc thanh tra, kiểm tra, gồm 324 cuộc thanh tra kiểm tra theo kế hoạch và 47 cuộc đột xuất.
Đáng chú ý, qua công tác giám sát, cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cảnh báo đối với tổ chức tín dụng thuộc thẩm quyền quản lý, nhằm hạn chế rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn trong hoạt động, kết quả tái cơ cấu theo lộ trình đã được phê duyệt. Đồng thời, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang rà soát, kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nêu rõ, đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó có một số lĩnh vực như kinh doanh bất động sản có tính chất đầu cơ, phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung,... chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ), bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động, cụ thể:
Giám sát thường xuyên liên tục đối với tình hình hoạt động các đơn vị trong hệ thống và xây dựng các báo cáo giám sát an toàn vĩ mô, vi mô theo định kỳ đối với các đối tượng và nhóm đối tượng giám sát; giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, trái phiếu doanh nghiệp,...) qua hệ thống báo cáo thống kê và từ các nguồn tin khác. Trên cơ sở kết quả giám sát, ban hành các văn bản cảnh cáo, khuyến nghị đối với các vấn đề quan tâm.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.
Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung/bất động sản không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng, cho vay chéo,... đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại Thông báo số 64/TB-NHNN ngày 24/2/2023 về hoạt động đại lý bảo hiểm.
Nghiêm túc, khẩn trương xử lý các kiến nghị, phản ánh của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp về hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng qua đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước và gửi kết quả xử lý về Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng theo Quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.
Liên quan đến hoạt động đôn đốc, thu hồi nợ, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị trên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đôn đốc, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, thuộc đối tượng giám sát an toàn vi mô của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có). Trường hợp phát hiện dấu hiệu/hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng/tham mưu cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
PV (t/h)