Người dân nơi đây có lý do đưa ra quan điểm đó, vì Tuva là khu vực trẻ nhất của nước Nga ngày nay. Cộng hòa này từng là một phần của Mông Cổ, Trung Quốc, và từng tồn tại như một nước độc lập trước khi gia nhập Liên Xô năm 1944. Chủ quyền Tuva vào đầu thế kỷ 20 không được tất cả các quốc gia công nhận.
Năm 1941, Tuva tự nguyện ủng hộ Liên Xô và tuyên chiến với Đức. Người dân Tuva truyền tai rằng, Hitler đã không có bất cứ phản ứng nào với sự kiện này vì ông ta không thể tìm thấy nhà nước độc lập Cộng hòa Nhân dân Tuva trên bản đồ. Tuy nhiên, nơi đây tham gia tích cực vào cuộc chiến, gửi binh lính ra mặt trận và cung cấp lương thực và gia súc cho tiền tuyến. Theo lời kể của thế hệ trước, những người lính Tuva hung hãn đến mức Đức Quốc xã gọi họ là "cái chết đen". Họ đối đầu với xe tăng của quân đội Đức chỉ bằng những thanh kiếm.
Tuva thu hút du khách bởi cảnh thiên nhiên hùng vỹ, được so sánh với nước láng giềng Mông Cổ và Iceland vào mùa đông. Đồi núi chiếm 80% lãnh thổ nơi đây, còn lại là thảo nguyên bằng phẳng. Do nằm cách xa biển, Tuva sở hữu khí hậu lục địa với nhiệt độ mùa đông có thể xuống -35 độ C và nhiệt độ mùa hè trên 30 độ C. Ở đây ít mưa, hầu như luôn có nắng.
Đường đến cộng hòa này không dễ dàng với một du khách bình thường. Nơi đây không có đường sắt. Họ bắt đầu xây dựng từ năm 2011 và đã đặt 1 km đường ray nhưng dự án đã phải đóng băng do khủng hoảng kinh tế. Các chuyến bay từ Moskva đến thủ đô Kyzyl của Tuva chỉ được thực hiện 2 lần một tuần - vào thứ Hai và thứ Năm.
Người dân địa phương rất coi trọng truyền thống văn hóa. Hầu hết họ đều sở hữu một bộ quốc phục - đó là một chiếc áo choàng dài có thắt lưng màu sáng, vạt áo vắt sang phải với nhiều phần dây buộc. Trang phục này được gọi là "tone",được mặc chủ yếu trong các ngày lễ.
Thực tế Phật giáo du nhập vào Tuva từ Trung Quốc nhưng nhiều cư dân địa phương vẫn tin vào các linh hồn và thường tìm đến các pháp sư để được giúp đỡ. Ở các thành phố, ngoài bệnh viện chính thống còn có các phòng khám pháp sư, nơi mọi người đến để được giúp đỡ khi ốm hoặc có vấn đề trong gia đình. Các pháp sư không ra giá cụ thể cho dịch vụ của mình, người dân trả tiền tùy tâm.
Chủ tịch hội pháp sư "Adyg-Eeren" (Thần Gấu), pháp sư tối cao của Cộng hòa Tuva Dopchun-Ool Kara-ool Tyulyushevich đang tiến hành một nghi lễ trong phòng khám của mình.
Người dân Tuva không có cuộc sống khá giả, với thu nhập trung bình từ 10.000-15.000 rúp (khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng). Nhưng thiên nhiên tươi đẹp, truyền thống cổ xưa và thức ăn ngon đã giúp họ đương đầu với mọi khó khăn. Trên thực tế, nơi đây vẫn chưa thu hút đông khách du lịch, khiến nó trở nên độc đáo, kỳ lạ và thu hút những người muốn khám phá những nơi hoang sơ, mới mẻ.
Đình Lợi (t/h).