Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 25/11/2021của Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành, về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, trong đó xác định chủ đề công tác năm là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Sáu tháng đầu năm 2022, kinh tế của Quảng Ninh phục hồi nhanh chóng với những con số ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 10,66%, cao hơn 2,64 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ 2021 (cùng kỳ tăng 8,02%). Trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng ước tăng 12,04%, cao hơn 2,91 điểm % so với cùng kỳ 2021 (cùng kỳ tăng 9,13%). Đặc biệt, ngành dịch vụ có chuyển biến mạnh, ước tăng 11,15%, cao hơn 4,08 điểm % so với cùng kỳ 2021 (cùng kỳ tăng 7,07%); thuế sản phẩm tăng 6,28%, cao hơn 1,38 điểm % so với cùng kỳ 2021 (cùng kỳ tăng 4,9%).
Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 28.671 tỷ đồng, bằng 55% dự toán, tăng 24% cùng kỳ 2021, trong đó: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 6.450 tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 29% cùng kỳ 2021; thu nội địa ước đạt 22.221 tỷ đồng, bằng 53% dự toán, tăng 23% cùng kỳ, trong đó có 10/16 khoản thu đạt và vượt.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng 14,72% so với cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng ước đạt 1.179 triệu USD, tăng 0,76% cùng kỳ. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 5,5 triệu lượt, gấp 2,2 lần cùng kỳ 2021. Tổng doanh thu du lịch đạt 12.129 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước...
Để có được kết quả khả quan trong phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm nay, bên cạnh các nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các biện pháp ổn định sản xuất kinh doanh, phục hồi nhanh ngành du lịch, dịch vụ, thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển KT-XH. Đặc biệt, tỉnh có những giải pháp căn cơ trong thu ngân sách nhà nước; xác định rõ trách nhiệm các sở, ban, ngành, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện.
Tỉnh cũng chỉ đạo có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tỉnh giai đoạn 2022-2023, trong đó, tập trung phát huy tối đa vai trò trụ cột của ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Đặc biệt hơn, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho ngành than phát triển ổn định và tăng số lượng tối đa, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế với mục tiêu đảm bảo không thiếu than cho sản xuất điện và không thiếu điện để phục vụ sản xuất kinh doanh cũng như đảm bảo đời sống nhân dân. Song song với đó, tỉnh tạo điều kiện tối đa để các ngành xi măng, điện tử, dệt may,... tăng cường sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hoá.
Du lịch thành công với hàng loạt các chương trình, sự kiện du lịch như Carnaval Hạ Long 2022, Festival áo dài 2022, bước vào “mùa vàng du lịch” hè năm nay, Quảng Ninh ghi dấu ấn sâu đậm với du khách trong và ngoài nước khi tổ chức thành công sự kiện SEA Games 31 với 7 môn thi đấu tại địa phương. Cũng từ sự kiện quan trọng này, Quảng Ninh quảng bá sâu rộng về vùng đất, tiềm năng, du lịch của Quảng Ninh đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời Quảng Ninh nhanh chóng cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch và ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, trong đó phát triển mạnh các loại hình du lịch, như: Du lịch biển đảo; du lịch văn hóa; du lịch chăm sóc sức khỏe, trong đó khai thác các giá trị văn hoá ẩm thực cũng như giá trị các di sản. Đồng thời, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, đa dạng trải nghiệm và khai thác tốt loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện...
Như vậy trong 6 tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và những nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, kinh tế của Quảng Ninh đang phục hồi mạnh mẽ, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên.
Phạm Hường