Ghi nhận từ tuần cuối tháng 2/2022 cho đến tuần đầu tháng 3/2022, giá lúa mì thế giới đã tăng phi mã do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Giá hợp đồng lúa mì kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn CBOT đã tăng từ mức 859,6 cent/giạ lên mức cao nhất 1.363,4 cent/giạ, tương ứng tăng 58,6% chỉ trong vòng 2 tuần. Mức giá này vượt qua mức đỉnh hồi năm 2008 - giai đoạn ngành nông nghiệp thế giới trải qua mùa vụ thất thu bởi thời tiết La Nina.
Trong báo cáo phát hành vào đầu tháng 3/2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cắt giảm ước tính mức xuất khẩu lúa mì của Nga mùa vụ 2021-2022 xuống còn 32 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với con số ước tính trong báo cáo hồi tháng 2/2022. Xuất khẩu lúa mì của Ukraine cũng dự kiến giảm 4 triệu tấn, xuống còn 20 triệu tấn. Nguyên nhân cắt giảm bởi hoạt động xuất khẩu tại các cảng quan trọng gần khu vực Biển Đen và biển Azov bị gián đoạn hoặc ngưng trệ hoàn toàn kể từ khi xảy ra chiến tranh.
Nguồn cung không chỉ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, mà còn bị ảnh hưởng bởi việc sản lượng sản xuất không mở rộng theo kịp nhu cầu tiêu thụ. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng mùa vụ hiện tại ở mức 778,5 triệu tấn. Trong khi nhu cầu tiêu thụ mùa vụ 2021-2022 ở mức 787,3 triệu tấn, tăng khoảng 0,6% so với mùa vụ trước. Như vậy, nếu chưa tính tới yếu tố chiến tranh, sản lượng cũng đã thiếu hụt 8,8 triệu tấn so với nhu cầu.
Rủi ro hiện tại đối với an ninh lương thực toàn cầu là ở chỗ tầm quan trọng của khu vực Biển Đen đối với nhu cầu nhập khẩu lúa mì của khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Các sản phẩm từ lúa mì được xem là lương thực thiết yếu của người dân nơi đây do vấn đề dân số đông. Và đã từ lâu, khu vực này phụ thuộc vào nguồn cung cấp lúa mì từ Biển Đen. Điều này có tính chất tương tự như sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga.
Do đó, việc thiếu thốn lương thực dẫn tới giá tăng cao sẽ ảnh hưởng tới đa số người nghèo ở Trung Đông và Bắc Phi, có nguy cơ tạo ra bất ổn xã hội.
PV