Phú Thọ: Thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành xu thế tất yếu

20:42 03/06/2023

Với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch, mua sắm thông qua các phương tiện thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến trên địa bàn tỉnh.

Người dân mua hàng thanh toán qua quét mã QR trên ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng
Người dân mua hàng thanh toán qua quét mã QR trên ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có bốn trung tâm thương mại, 15 siêu thị, 197 chợ truyền thống cùng nhiều cửa hàng tiện lợi, tạp hóa phân bố ở khắp các huyện, thành, thị. Bắt kịp xu thế thanh toán tiêu dùng không dùng tiền mặt, các cơ sở kinh doanh, các siêu thị, cửa hàng tiện ích đã tích cực thực hiện chuyển đổi số thanh toán điện tử và ngay những người kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương buôn bán tại chợ cũng chú trọng đến việc áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Trên thực tế, thanh toán qua mã QR, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã trở thành thói quen của nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là khách hàng trẻ. Nếu như trước đây, mọi người luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì hiện nay chỉ với một tấm thẻ ATM hay điện thoại di động sẽ thanh toán được mọi dịch vụ.

Chị Vũ Thị Ngọc Ngân ở xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao cho biết: Hầu hết các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng và cả người bán hàng tại chợ truyền thống đã dần chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Rất tiện lợi khi tôi chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là có thể thao tác chuyển tiền nhanh gọn và tiện lợi. Thậm chí, phần lớn các khoản sinh hoạt chi tiêu trong gia đình như: Tiền điện, tiền nước, tiền mạng internet, tiền học phí của con… đều được tôi thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại.

Hình thức thanh toán
Hình thức thanh toán "quẹt thẻ" cũng được bộ phận người dân lớn tuổi tin tưởng sử dụng.

Để tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ hành chính công.

Tại các địa phương, hoạt động triển khai thanh toán không dùng tiền mặt được quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp, nổi bật là việc triển khai mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt trong trao đổi, mua bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Với mục đích hình thành thói quen và góp phần xây dựng công dân số, đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu đến người dân.

Tỉnh Phú Thọ đang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 50- 80% người dân từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm, tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

P.V