Phú Thọ: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới Phú Thọ: Có 150 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Phú Thọ: Giới thiệu, trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP |
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank) Chi nhánh Phú Thọ. |
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, các ngân hàng TMCP ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển đúng định hướng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Đặc biệt, các ngân hàng TMCP đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng khách hàng và có chính sách lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tính đến cuối tháng 8, tổng dư nợ cho vay nhóm ngân hàng TMCP đạt gần 14.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với cuối năm 2023, trong đó cho vay ngắn hạn hơn 8.700 tỷ đồng, cho vay trung, dài hạn hơn 5.700 tỷ đồng.
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, gần đây nhất là thiệt hại của cơn bão số 3, các ngân hàng TMCP đã và đang tiếp tục thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng thực sự khó khăn. Bằng những biện pháp cụ thể như khoanh nợ, giảm lãi suất nợ cũ và các khoản vay mới, cán bộ tín dụng ngân hàng, chủ doanh nghiệp đã chủ động gặp nhau để trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngành ngân hàng trực tiếp gặp gỡ, nắm bắt tình hình của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. |
Theo ông Phạm Trường Giang - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, các ngân hàng TMCP ngoài Nhà nước đã bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt là những khách hàng đang vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua gây ra.
Ông Đàm Đắc Tiến - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Phú Thọ cho biết: Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Khi cộng đồng doanh nghiệp suy yếu thì kéo theo sự sút giảm của hệ thống ngân hàng. Do vậy, doanh nghiệp cũng thấu hiểu và chia sẻ khó khăn với ngân hàng. Hiệp hội cùng với các doanh nghiệp hội viên đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục những mặt còn yếu, kém như năng lực quản trị kinh doanh, xây dựng phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh mang tính dài hơi, có chiến lược, mục tiêu cụ thể.
Cũng theo ông Tiến, các doanh nghiệp cần thực hiện cơ cấu lại tài sản một cách hợp pháp và chính xác, rõ ràng, minh bạch trong báo cáo tài chính. Qua đó, mỗi doanh nghiệp đã dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng. Các doanh nghiệp cũng mong muốn ngân hàng tiếp tục tiết giảm thủ tục hành chính, linh hoạt hơn trong định giá tài sản đảm bảo, nới rộng hạn mức tín dụng để doanh nghiệp có cơ hội mở rộng nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.