Đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch hiện có
Nhằm nâng cao giá trị di tích, phát triển thêm các khu, điểm du lịch, xác định những sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách về với Bình Dương, một trong những kế hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới là du lịch đường sông đã có chủ trương và ban hành kế hoạch thực hiện. Hiện nay, tỉnh và ngành du lịch Bình Dương đang từng bước phát triển về du lịch đường sông...
Sông Bé không thuận tiện cho việc giao thông đường thủy do có bờ dốc đứng, lòng sông nhiều đoạn có đá ngầm, lại có nhiều thác ghềnh, tàu thuyền không thể đi lại nhưng sông Bé có khả năng phát triển các khu, điểm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần ven sông nhờ cảnh quan sông nước và khí hậu trong lành.
Để triển khai mục tiêu này, Bình Dương đã ban hành Kế hoạch phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ đầu tư xây dựng các bến hành khách phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông như Tp. Thuận An có bến Thọ An, bến Hưng Định, bến Đình Phú Long, bến Bình Nhâm, bến Rạch Sơn; Tp. Thủ Dầu Một có bến chợ Phú Cường, bến Yến Bay, bến Đại Nam, bến Chánh Mỹ, bến Cảng Bà Lụa; thị xã Bến Cát có bến Rạch Bắp, bến Đại học Thủ Dầu Một; huyện Dầu Tiếng có bến Thanh Tuyền, bến Dầu Tiếng; thị xã Tân Uyên có bến Bạch Đằng và Thạnh Hội. Song song với việc đầu tư các bến hành khách là hệ thống cơ sở hạ tầng đi kèm như các nhà chờ, bến đỗ xe, phương tiện trung chuyển hành khách tham quan,….
Bình Dương sẽ ưu tiên hình thành các sản phẩm du lịch chính kết hợp với tuyến du lịch đường sông tập trung ở 3 không gian theo Quy hoạch như loại hình du lịch trải nghiệm, tham quan làng nghề truyền thống (sơn mài, gốm sứ), du lịch công nghiệp (tham quan các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất),…
Từ những lợi thế ven sông mà Bình Dương sẵn có, có thể khai thác các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Đầu tiên là sản phẩm du lịch sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn tham quan các vườn cây ăn trái ven sông (vườn cây ăn trái Lái Thiêu, vườn cây ăn trái Phú Thọ, Tương Bình Hiệp, Tân An, Phú An, Thanh Tuyền…). Một trong những sản phẩm có thể khai thác nữa, đó là du lịch văn hóa. Đến với du lịch văn hóa bằng đường sông, du khách có thể tham quan các di tích, điểm đến văn hóa phân bố dọc trên bờ có khoảng cách gần với các sông, như di tích đình Phú Long, nhà cổ ông Trần Văn Hổ, chợ Thủ Dầu Một, miếu Bà Thiên Hậu…
Du lịch tham quan các làng nghề truyền thống cũng là lợi thế của Bình Dương để khai thác phục vụ du lịch đường sông. Trên địa bàn tỉnh từ lâu đã có các nghề truyền thống nổi tiếng lâu đời, như gốm sứ, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề chạm điêu khắc gỗ Phú Thọ, lò lu Đại Hưng, nghề làm guốc, làm heo đất… Sản phẩm của các làng nghề này không chỉ được người dân địa phương biết đến mà còn vươn ra các tỉnh, thành khác và cả nước ngoài.
Bến du thuyền Tiamo dành cho du khách
Để khai thác, phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông ngày càng hiệu quả hơn, Sở VH-TT&DL tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương quy hoạch cải tạo cảng Bà Lụa thành cảng du lịch. Đặc biệt, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4352/KH-UBND ngày 28-8-2019 về phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nhằm khai thác những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, các vườn cây ăn trái ven sông kết hợp khai thác các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống phục vụ du khách đến bằng đường sông, hình thành các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài tỉnh.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng thêm nhiều bến hành khách phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông. Song song với việc đầu tư các bến hành khách thì chủ trương của UBND tỉnh còn kết hợp xây dựng các nhà chờ, bến đỗ xe, phương tiện trung chuyển hành khách tham quan và các sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến bằng đường sông.
Trong đó, Bến du thuyền Tiamo Phú Thịnh tọa lạc tại Khu biệt thự Phú Thịnh, Tp Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Việc hình thành bến du thuyền không chỉ góp phần tăng giá trị và tiện ích cho khu dân cư mà còn giúp việc liên kết, phát triển giao thông, du lịch đường thủy giửa Tp. Hồ Chí Minh và Bình Dương thêm phát triển.
Mở đầu với việc khai trương tuyến vận tải hành khách và du lịch đường thủy có điểm cập bến tại Tiamo Phú Thịnh, cư dân tại Thủ Dầu Một sẽ có thêm lựa chọn đi lại, du lịch bằng đường sông. Với không gian xanh mát ven sông thơ mộng, du khách từ TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm một điểm đến mới lạ, yên bình gần Sài Gòn vào dịp cuối tuần.
Bến du thuyền Tiamo Phúc Thịnh hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị và tuyệt vời. Đặc biệt, nhà hàng còn có dịch vụ du thuyền hai thân, hiện đại giúp du khách có thể dạo mát trên sông. Ngoài ra, tại Khu vui chơi giải trí ẩm thực Tiamo Phú Thịnh có dịch vụ du thuyền Biconsi Yacht hiện đại, sang trọng sẵn sàng phục vụ khách hàng vi vu đón gió và thưởng thức ẩm thực trên sông. Bến du thuyền Tiamo Phúc Thịnh, thêm một điểm nhấn nữa cho ngành du lịch đường sông của Bình Dương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hoàng Thu