Ông Jacques Morisset: Việt Nam đã có những bài học tốt để lập kế hoạch cho tương lai
- Trò chuyện
- 14:33 19/08/2020
Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng Việt Nam đã làm rất tốt việc cân bằng mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế trong dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 gây ra những khó khăn chưa từng có tới kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh này, các địa phương đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho nhiệm kỳ 5 năm tới.
Nhận diện “biến số” Covid-19 và tính toán nó trong kế hoạch sắp tới là nội dung cuộc trao đổi của PV với chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Jacques Morisset.
Ông Morisset cho rằng Việt Nam đã làm rất tốt việc cân bằng mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế trong thời gian vừa qua. Đó chính là bài học cho nhiều nước khác, thậm chí là bài học cho chính Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn sau.
- Dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động kinh tế toàn cầu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lúc này, nhiều địa phương của Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Theo ông, việc tính toán “biến số” Covid-19 trong kế hoạch sắp tới cần lưu ý những gì?
- Tôi tin chắc rằng đại dịch Covid-19 sẽ có ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch của Việt Nam trong tương lai trung hạn và dài hạn.
Rõ ràng dịch Covid-19 có những ảnh hưởng hiện tại và còn ảnh hưởng trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta không biết ảnh hưởng hiện nay của dịch sẽ khác với trong tương lai như thế nào, vì bối cảnh còn bất định. Liệu có những ảnh hưởng vĩnh viễn hay không thì chúng ta chưa thể biết.
Nhưng rõ ràng hiện nay, chúng ta đã thấy những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến Việt Nam. GDP quý II vừa qua chỉ đạt 0,39%, dự báo GDP trong năm nay chỉ đạt khoảng 3%. Mức 3% cao hơn so với thế giới, nhưng vẫn là một cú sốc cho Việt Nam, vì chỉ bằng một nửa trước kia. Hàng chục năm qua, Việt Nam đã quen với tốc độ tăng trưởng khoảng 7-8%/năm. Có lẽ đến một nửa người dân Việt Nam hiện nay chưa chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm như thế. Chắc chắn ảnh hưởng này sẽ kéo theo sự thay đổi về kinh tế, xã hội cho Việt Nam.
Theo chúng tôi, Việt Nam cần xem xét, lưu ý một số yếu tố trong việc lập kế hoạch thời gian tới. Thứ nhất, dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, chưa thể biết nó còn kéo dài trong năm sau, năm sau nữa hay không. Thứ hai, phản ứng của Chính phủ, của chính sách ra sao để có thể quay lại tốc độ tăng trưởng cao.
- Trong bối cảnh dịch Covid-19, Ngân hàng Thế giới có khuyến nghị chính sách gì cho Việt Nam trong giai đoạn tới hay không?
- Chúng tôi có đưa một số gợi ý một số chính sách.
Thứ nhất, Việt Nam cần làm mạnh hơn nữa vấn đề đầu tư công, trong đó có đầu tư từ nguồn ODA. Cần đầu tư mạnh mẽ hơn nhưng cũng hiệu quả hơn, để thúc đẩy tăng trưởng, khuyến khích nhu cầu tăng lên. Tôi nhấn mạnh là phải vừa mạnh hơn và vừa phải hiệu quả hơn.
Thứ hai, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhiều hơn nữa. Tất nhiên là sau dịch, có người chịu ảnh hưởng nhiều, có người chịu ảnh hưởng ít, thậm chí có người hưởng lợi từ dịch bệnh. Ảnh hưởng lên từng người dân, từng lĩnh vực cũng khác nhau. Do đó, Chính phủ phải đưa ra các chính sách hỗ trợ hợp lý, đúng đối tượng.
Thứ ba, Chính phủ phải cân bằng việc vừa phòng chống dịch, vừa mở cửa nền kinh tế. Cần khuyến khích các hoạt động kinh tế để vẫn đảm bảo việc phát triển kinh tế - xã hội.
Tôi lấy ví dụ Việt Nam có vị thế rất tốt để thu hút vốn FDI. Trong khi nhiều nước đóng cửa không thể làm được gì do dịch, thì nhà máy ở Việt Nam vẫn hoạt động, mở cửa, nhiều công nhân vẫn đi làm. Thứ hai, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ khiến nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm chỗ đầu tư ngoài Trung Quốc. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ 2 yếu tố đó để thu hút các dòng vốn.
Tuy nhiên, nếu không mở cửa, các nhà đầu tư không vào được Việt Nam, các bạn cũng không thể thu hút được dòng vốn này.
Chính phủ cần nghiên cứu để cân bằng mở cửa thận trọng, thu hút, đón nhận FDI, vừa phải đảm bảo về mặt y tế. Vai trò của Nhà nước cũng phải thay đổi một chút trong việc cân bằng 2 yếu tố.
- Dịch Covid-19 mang đến khó khăn không chỉ cho Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Trong thời gian tới, dự báo việc huy động nguồn lực cho phát triển là rất khó khăn. Ngân hàng Thế giới có khuyến nghị gì về cách thức huy động nguồn lực cho Việt Nam hay không?
- Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam cần nhiều nguồn lực, bao gồm nguồn lực để chống dịch Covid-19, và cả nguồn lực để hồi phục kinh tế.
Chúng tôi nhận định trước khi vào đại dịch, Việt Nam có những nền tảng rất tốt. Nền kinh tế Việt Nam duy trì sự phát triển tốt trước dịch, giống như một người khỏe mạnh mà bị bệnh thì khả năng phục hồi cao hơn so với người đã có những bệnh nền sẵn.
Việt Nam có thể nói là một “người khỏe mạnh” trước khi bị dịch. Cuối năm 2019, kinh tế Việt Nam phát triển khá tốt. Tỷ lệ nợ/GDP giảm xuống 7% trong vòng 3 năm. Có thể nói không một nước nào trên thế giới có thể đạt được mức giảm nợ trong thời gian kỷ lục như vậy, ngoại trừ trường hợp được chủ nợ xóa nợ.
Bên cạnh đó, Việt Nam tích lũy được một lượng dự trữ lớn trước dịch. Do đó, khi xảy ra dịch bệnh, các bạn có nguồn dự trữ dồi dào để xử lý nhiều vấn đề. Việt Nam ứng phó với dịch mà không cần vay nước ngoài, từ IMF, WB hay các nước khác. Tỷ lệ vay trong nước trong quý I/2020 năm nay còn thấp hơn so với quý I/2019.
Vấn đề là dịch Covid-19 có còn kéo dài hay không, làm thế nào để không tăng thêm nợ, Chính phủ cũng đang rất cẩn trọng trong vấn đề này.
Theo quan sát của chúng tôi, Chính phủ có thể vay thêm bên ngoài, để có nguồn tài chính. Bởi vì tỷ lệ nợ của Việt Nam chỉ khoảng 55%, thấp hơn so với trần nợ công là 65%, tức là có khoảng 10% dư địa để tìm thêm nguồn lực. Tôi không nói là Việt Nam vay thêm 10%, mà đây là dư địa để có thể vay nợ.
Lý do tôi nói là nên vay ở thời điểm này vì tỷ lệ lãi suất trên thị trường quốc tế rất thấp, nhiều nơi bằng 0%. Thậm chí, có một số nơi cho vay với tỷ lệ lãi là âm. Việt Nam từ trước đến nay cũng có uy tín trong vay và sử dụng nguồn nợ vay khá tốt. Nếu không vay lúc này, chúng ta cũng không biết 6 tháng nữa, lãi suất có thể đã khác.
Tất nhiên, về lâu dài không thể vay mãi được, mà cần tính đến nguồn lực khác cho phát triển là thuế. Hiện Chính phủ không thể tăng thuế được, vì sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng có thể mở rộng nguồn thu thuế. Theo quan sát của tôi, dư địa để mở rộng nguồn thu vẫn còn khi một số nguồn thu chưa được áp thuế.
Một yếu tố nữa để mở rộng nguồn lực là tăng cường số hóa, công nghệ hóa. Vì Covid-19, việc hóa số đã được triển khai khá nhanh ở Việt Nam như Chính phủ điện tử, thanh toán điện tử… Về lâu dài, Việt Nam có thể tập trung hơn lĩnh vực này hơn nữa, vì nó tiết kiệm được tiền bạc, thời gian, công sức cho người dân, tạo thêm nguồn lực cho xã hội.
- Có ý kiến cho rằng để phục hồi kinh tế nên dựa vào nguồn lực khu vực tư nhân trong nước. Theo ông, nhận định có đúng trong bối cảnh này? Làm thế nào để huy động được nguồn lực tư nhân?
- Chúng tôi dự báo từ đầu năm sau, đầu tư tư nhân trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng, nhưng với điều kiện dịch Covid-19 không còn tiếp diễn. Khi không còn dịch, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rất nhanh, cả ở nhu cầu trong và ngoài nước.
Khi hết dịch ở phạm vi quốc tế, sẽ có sự tăng trưởng nhu cầu từ các bạn hàng lớn của Việt Nam, làm tăng xuất khẩu. Việt Nam là nước xuất khẩu rất nhiều nên yếu tố này sẽ là động lực quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, ở trong nước, các nhà máy, cửa hàng sẽ hoạt động, kinh tế trong nước sẽ phục hồi nhanh.
Tuy nhiên, nếu dịch vẫn còn, vaccine chưa có thì tình hình như thế nào? Nhu cầu của các khách hàng lớn như Mỹ, EU hay Trung Quốc như thế nào thì chúng ta chưa biết được bởi đó là yếu tố bất định. Các nước này mà không có nhu cầu thì sẽ không có xuất khẩu dành cho Việt Nam.
Do đó, chúng tôi nhận định nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, thì kinh tế trong nước chưa thể khởi sắc, kinh tế tư nhân cũng vậy.
Theo chúng tôi, khu vực kinh tế tư nhân trong 1-2 năm tới, khu vực công sẽ phải đóng vai trò năng động hơn, cả về mặt tài khóa và mặt đầu tư.
Tuy nhiên, sau khi đại dịch kết thúc và nền kinh tế phục hồi, Chính phủ có thể tái tập trung vào các chính sách và cải cách cơ cấu nhằm giúp khuyến khích phát triển khu vực tư nhân, coi đó là động lực chính để tạo việc làm và phát triển kinh tế lâu dài
- Nhiều dự báo về đầu nhiệm kỳ tới sẽ là khoảng thời gian phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ phải cân bằng bài toán vừa đảm bảo tăng trưởng tốt, vừa ổn định được kinh tế vĩ mô. Ngân hàng thế giới có khuyến nghị gì về vấn đề này?
- Câu hỏi này rất khó. Tôi cho rằng chúng ta phải có sự đánh đổi.
Chính sách đầu tiên mà chúng ta phải hướng đến là đảm bảo sự an toàn, tính mạng và sức khỏe cho người dân. Đó có lẽ là ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Các biện pháp giãn cách xã hội vừa qua khiến dịch bệnh không lan nhanh, nhưng nó tạo ra chi phí cho nền kinh tế. Chỉ trong làn sóng dịch Covid-19 đầu năm, hơn 30 triệu người Việt Nam đã bị ảnh hưởng thu nhập. Những người này lại chủ yếu là những người nghèo, lao động phổ thông.
Nó cho thấy chúng ta phải có sự đánh đổi: Đo đảm an toàn, tính mạng hay sự phát triển của nền kinh tế.
Một sự đánh đổi nữa là trong kinh tế là vừa bảo vệ công ăn việc làm, bảo vệ doanh nghiệp, vừa không muốn tăng nợ lên quá cao. Muốn bảo vệ công ăn việc làm, doanh nghiệp thì Chính phủ phải chi tiền ra, mà chi phải hiệu quả nếu không sẽ làm tăng mức nợ lên. Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng nợ lên, và như vậy trong ngắn hạn có thể đầu tư nhiều hơn, chi nhiều hơn.
Việt Nam đang kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh, thì nên đẩy mạnh hoạt động kinh tế lên nữa. Việt Nam có lợi thế hơn Mỹ. Trong thời gian qua, Quốc hội Mỹ đã thảo luận rất nhiều về gói cứu trợ kinh tế. Liệu trong tương lai lâu dài, họ có chịu được nữa không vì phải chịu sức ép về tài chính.
Việt Nam lại khác. Trong tương lai lâu dài, các bạn có thể làm được nhiều hơn, có thể đầu tư nhiều hơn vì Việt Nam có dư địa và khả năng làm được.
Nếu các doanh nghiệp biến mất, nhà máy đóng cửa, người dân mất việc, nó dẫn đến hậu quả khôn lường về an sinh xã hội. Đóng cửa nhà máy rất dễ, nhưng mở lại thì rất khó. Đây là một sự đánh đổi, và nó là nghệ thuật đưa ra chính sách. Chúng tôi đánh giá Việt Nam đang làm rất tốt điều này.
- Trên thế giới, có mô hình xây dựng kế hoạch của nước nào trong bối cảnh dịch Covid-19 mà Việt Nam có thể học hỏi hay không? Bài học cho Việt Nam là gì?
- Tôi nghĩ rằng trong thời gian dịch vẫn hoành hành, việc rút ra bài học là rất khó. Bởi chúng ta chỉ có thể rút ra bài học khi kết thúc sự kiện, rồi nghiên cứu.
Chúng tôi đánh giá Việt Nam đang phản ứng tương đối tốt với dịch Covid-19 vừa qua. Và Việt Nam chính là bài học cho nhiều nước khác. Ví dụ Việt Nam đã có phản ứng rất nhanh đối với cuộc khủng hoảng Covid-19. Các bạn đã nhanh chóng đóng cửa kinh tế, trường học, có quyết tâm cao, là bài học cho nhiều nước khác.
Chúng ta cũng đã xử lý cuộc chiến chống dịch mà không bị quá nhiều ảnh hưởng khác. Ảnh hưởng đến kinh tế ở Việt Nam là có nhưng ít hơn rất nhiều quốc gia ở châu Âu và Mỹ.
Tôi thấy, các bạn có thể rút ra bài học cho chính mình trong thời gian vừa qua.
Thứ nhất, chính sách tài khóa cần làm mạnh hơn nữa, tạo ra công ăn việc làm, giữ vững nhu cầu trong nước.
Thứ hai, cần hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch một cách có trọng tâm. Tháng 4 vừa qua, Việt Nam đã có một gói hỗ trợ rồi, nhưng cần triển khai hiệu quả hơn, và có thể hỗ trợ hơn nữa, vì đến nay chúng ta thấy ảnh hưởng dịch bện đến kinh tế tiêu cực hơn chúng ta tưởng.
Việt Nam cũng đã có hệ thống thu thập, chia sẻ thông tin, chia sẻ số liệu rất rõ ràng, minh bạch. Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả công nghệ thông tin, đưa ra phản ứng kịp thời trong thời gian Covid.
Việt Nam rất minh bạch thông tin, đưa chính sách và thực hiện chính sách rất tốt. Gần như không có ai ở bên ngoài nói các con số của Việt Nam là không chính xác cả, so với nhiều nước khác, con số vẫn gây hoài nghi.
Điều này giúp tạo ra uy tín cho Việt Nam, sự hiệu quả trong việc tạo và lập chính sách. Chúng tôi cho rằng đó chính là bài học trong việc lập chính sách trong tương lai, trong việc lập và thực hiện chính sách tốt nhất.
Hiếu Công
Tin liên quan
#phát triển kinh tế

Doanh nghiệp nhà nước “lỗi thời” trong thời kỳ mới?
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời kỳ hiện tại có nhiều hạn chế cần phải được tháo gỡ từ nhiều hướng như: xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động...

Giải pháp hỗ trợ phải công bằng, công khai, công tâm
Quý I-2021, tăng trưởng kinh tế đạt 4,48%, cao hơn so tốc độ tăng 3,68% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây là mức thấp hơn kịch bản điều hành tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách năm 2021.

Chính sách tài chính giai đoạn 2016 – 2020 ghi nhận thành công nổi bật
Công tác tài chính - ngân sách nhà nước Giai đoại 2016 – 2020 đã củng cố chính sách tài khóa, cơ cấu thành công ngân sách và nợ công, góp phần ổn định nền tài chính quốc gia chính là những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ vừa qua.

Doanh nghiệp với trách nhiệm mở rộng: Hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn
Quy định trách nhiệm mở rộng trong Luật Bảo vệ môi trường vừa có hiệu lực được kỳ vọng sẽ giúp từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế và là nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Phục hồi phát triển kinh tế: Le lói "ánh sáng cuối đường hầm"
Những thông tin về thị trường trong và ngoài nước cho thấy chưa bao giờ kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chồng chất như hiện nay. Tuy nhiên, trong tương lai gần vẫn nhìn thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm".

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong: Làm sâu sắc hơn các đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế
Trao đổi về các giải pháp phát triển kinh tế Hà Nội trong giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, tại cuộc Tọa đàm “Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong đã đề cập đến một số điểm nhấn và đột phá.
Đọc thêm Trò chuyện
Chủ tịch Tập đoàn Vsetgroup Trương Anh: Khát khao tạo ra nhiều giá trị cho xã hội
Cùng một sự việc xảy ra tại cùng một thời điểm, nhưng mỗi người sẽ có những nhìn nhận và đánh giá khác nhau sẽ tạo nên những cách giải quyết khác nhau. Với Chủ tịch Tập đoàn Vsetgroup Trương Anh, đó là cái nhìn đa chiều, tư duy phản biện để giúp anh nhìn nhận vấn đề khách quan hơn, đưa ra những kế hoạch lý tưởng cho hành trình bước tới tương lai vững vàng và thành công nhất.
Tôi ước đến một ngày người Việt được tự hào dùng hàng Việt
Đang là một doanh nhân rất thành công trong lĩnh vực may mặc, Anh hùng Lao động Ninh Thị Ty, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hồ Gươm và May Chiến Thắng đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nữ tướng đầu tiên của CIEM
Nhân dịp mùng 8/3 - ngày tôn vinh những người phụ nữ, hãy cùng trò chuyện với TS. Trần Thị Hồng Minh - nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM.
Lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng gì về năm Covid thứ 2
Một năm Covid -19 đầy sóng gió đã đi qua, môi trường kinh doanh liên tục thay đổi buộc doanh nghiệp phải thích ứng nhanh hơn. Với những nền tảng đã được chuẩn bị và đứng trước các thời cơ, thách thức mới, lãnh đạo các doanh nghiệp kỳ vọng năm 2021.
Cựu CEO Giao Hàng Nhanh lần đầu tiết lộ lý do đầu quân cho OneMount Group
Ông Nguyễn Trần Thi - Giám đốc Logistics của One Mount Group khẳng định Tập đoàn đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống Logistics nhằm đem đến “cuộc cách mạng” để kết nối toàn chuỗi cung ứng từ các nhãn hàng/các nhà sản xuất, tới cửa hàng tạp hoá và người tiêu dùng, qua đó giúp giảm chi phí sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Sếp Tiki “tiết lộ” 2 lý do giúp sàn TMĐT phá vỡ kỷ lục doanh thu trong dịp sale 10.10
Đại diện Tiki cho biết, nếu dịp sale 9.9 vừa qua thiết lập kỷ lục doanh số trong lịch sử 10 năm của Tiki thì dịp sale 10.10 lần này tiếp tục vượt đỉnh doanh số lịch sử 9.9 trước đó đến hơn 30%.
“EVFTA là ngọn hải đăng cho các dự án hợp tác thành công giữa DN EU và DN Việt"
EVFTA đã đi vào thực thi được gần 2 tháng, còn nhiều mới mẻ với doanh nghiệp, nhưng đã có những chỉ dẫn cho thấy, doanh nghiệp đã bắt nhịp và tận dụng được lợi ích từ FTA này. Trao đổi về vấn đề xoay quanh Hiệp định EVFTA với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom (FNF) nhận định, Việt Nam có thể tận dụng “sức mạnh mới” từ vị thế được khẳng định sau đại dịch Covid-19 cùng Hiệp định EVFTA để phục hồi kinh tế.
Triết lý kinh doanh thành công thú vị đằng sau tên quỹ đầu tư mới của Shark Dzung
Tập trung vào hành động là một trong những nguyên tắc thành công từ lâu đã được các bậc vĩ nhân đúc rút lại. Nguyên tắc này cũng được Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln khẳng định trong câu nói nổi tiếng: "Mọi việc có thể tới với những người ngồi yên chờ đợi, song đó chỉ là những thứ rơi rớt lại từ những người đi trước hành động."
Bà Oláh Nikoletta: Doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tìm hiểu các khung khổ pháp lý
Thay đổi tư duy kinh doanh, doanh nghiệp cần chú trọng nhiều hơn trong việc trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về xuất khẩu hàng hóa sang EU nâng chất lượng sản phẩm của mình và mở rộng kết nối thị trường. Đó là những “nút thắt” cần được doanh nghiệp gỡ bỏ khi bước vào sân chơi của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), để sẵn sàng vươn lên trong chuỗi giá trị thị trường xuất nhập - khẩu. Với vai trò là Tham tán Kinh tế - Thương mại Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam, bà Oláh Nikoletta đã có những đánh giá với phóng viên của tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập về vấn đề này.
Chủ tịch Dragon Capital: Việt Nam là nơi xứng đáng để khối ngoại đổ vốn đầu tư
Ông Dominic Scriven cho rằng TTCK Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn bởi đây là nơi xứng đáng để khối ngoại đổ vốn đầu tư.Ông cũng nhận thấy các nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn còn dựa nhiều vào tín dụng cầm cố.