![]() |
Nissan có thể trở thành nạn nhân của cuộc 'đại cắt giảm' nếu sáp nhập với Honda |
Honda và Nissan đã ký một hiệp ước ban đầu để bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm xem xét khả năng sáp nhập thông qua việc thành lập một công ty cổ phần chung. Đây là một động thái mang tính lịch sử trong ngành công nghiệp ô tô, hứa hẹn tạo ra tập đoàn ô tô lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Toyota và Volkswagen.
Cựu CEO Nissan, ông Carlos Ghosn mới đây đã cảnh báo công ty này có thể trở thành "nạn nhân" của cuộc "đại cắt giảm" chi phí nếu sáp nhập với Honda.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, Honda sẽ nắm quyền kiểm soát. Điều này thật đáng buồn khi nhìn lại chặng đường 19 năm dẫn dắt Nissan, đưa công ty lên vị trí hàng đầu trong ngành, để giờ chứng kiến họ rơi vào tình cảnh như vậy vì giữa Nissan và Honda có quá nhiều sự tương đồng", ông Ghosn chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với CNBC tuần này.
Ông Carlos Ghosn, người từng lãnh đạo liên minh Nissan-Renault-Mitsubishi, hiện sống tại Lebanon sau khi bị bắt tại Nhật Bản năm 2018 vì cáo buộc gian lận tài chính.
Cựu CEO nói thêm: “Thực tế là không có sự bổ trợ nào ở đây. Nghĩa là nếu muốn tạo ra sự hợp lực, họ sẽ phải cắt giảm chi phí, loại bỏ các kế hoạch và công nghệ trùng lặp. Và chúng ta đều biết bên chịu thiệt sẽ là ai – chính là đối tác yếu thế hơn, Nissan”.
So sánh với Renault, đối tác chiến lược lâu năm của Nissan, ông Ghosn nhận định rằng mối quan hệ này có sự bổ trợ tốt hơn nhiều so với Honda. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa 2 bên dường như không còn chặt chẽ trong những năm gần đây.
Hồi đầu năm nay, Honda và Nissan đã công bố kế hoạch hợp tác về xe điện. Đến ngày 23/12, họ chính thức bắt đầu đàm phán về việc mở rộng hợp tác thành một thương vụ sáp nhập, có thể bao gồm cả Mitsubishi Motors - một nhà sản xuất nhỏ hơn đang làm việc chặt chẽ với Nissan. Nếu thành công, việc sáp nhập sẽ tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới về sản lượng, chỉ sau Toyota và Volkswagen.
Các cuộc đàm phán sáp nhập được thúc đẩy bởi những thách thức mà các công ty đang phải đối mặt trên toàn cầu. Đáng chú ý nhất là doanh số bán hàng sụt giảm mạnh tại Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Người tiêu dùng Trung Quốc đang chuyển sang xe điện và xe hybrid nhanh hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia. Honda và Nissan với số lượng mẫu xe điện và hybrid còn hạn chế đang mất dần thị phần vào tay các đối thủ. Hiện xe điện và hybrid chiếm hơn một nửa số xe được bán tại Trung Quốc, với các nhà sản xuất nội địa như BYD và SAIC, cùng Tesla dẫn đầu xu hướng.
Tháng trước, Honda dự báo lợi nhuận ròng cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025 sẽ giảm 14%, đồng thời hạ dự báo doanh số bán xe toàn cầu từ 3.9 triệu xuống còn 3.8 triệu chiếc, chủ yếu do khó khăn tại thị trường Trung Quốc - nơi từng đóng góp khoảng 1/3 doanh số của hãng.
Trong khi đó, Nissan đang phải đối mặt với những thách thức còn nghiêm trọng hơn Honda và trải qua nhiều biến động về quản lý trong những năm gần đây. Tại Mỹ - thị trường quan trọng từng mang lại lợi nhuận đáng kể, thị phần của Nissan sụt giảm mạnh do các mẫu xe thiếu đổi mới. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9, lợi nhuận hoạt động của Nissan giảm 90%. Hãng xe này vừa thông báo kế hoạch cắt giảm 9,000 nhân viên toàn cầu và giảm 20% sản lượng.
Các lãnh đạo của Honda và Nissan nhấn mạnh rằng việc hợp nhất cho phép 2 bên chia sẻ trí tuệ và nguồn lực cần thiết để cạnh tranh trong quá trình chuyển đổi sang xe điện, đồng thời tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô, qua đó nâng lợi nhuận hoạt động lên mức dự kiến 3.000 tỷ yen (19,1 tỷ USD) trong dài hạn.
CEO Honda Toshihiro Mibe thừa nhận một số cổ đông có thể lo ngại rằng thương vụ này sẽ khiến Honda phải gánh vác Nissan, nhưng khẳng định việc hợp nhất sẽ không thành công nếu 2 công ty không thể tự mình đứng vững.
Tuy nhiên, Ghosn nhận định kế hoạch này cho thấy Nissan đang ở trong “trạng thái hoảng loạn, tìm kiếm sự cứu rỗi” vì không thể tự tìm ra lối thoát. Ông cũng bày tỏ nghi ngờ lớn về khả năng Nissan sẽ thành công trong việc xoay chuyển tình hình.