Những lưu ý cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu muối Việt trong 2022

11:27 22/01/2022

Muối - 1 trong những mặt hàng thiết yếu của thế giới - đang chứng kiến cơ hội xuất nhập khẩu của sản phẩm này của Việt Nam.

Canh tác muối ở Pháp

Canh tác muối ở Pháp. (Ảnh: NPR)

Theo số liệu tổng hợp, sản lượng muối năm 2020 đạt 1.334.507 tấn. Đây cũng là năm sản lượng muối đạt cao so với bình quân vài năm gần đây. Do thời tiết, khí hậu ở Việt Nam biến đổi phức tạp, có nhiều năm mưa hoặc hạn hán nhiều, ảnh hưởng đến sản lượng muối của từng năm. Năm 2021, sản lượng muối đạt 914.999 tấn. Hiện, giá muối thủ công dao động từ 600 – 2.500 đồng/kg; giá muối sản xuất công nghiệp dao động từ 600 – 1.500 đồng/kg. Người sản xuất muối thủ công cơ bản đang bán muối thô, chất lượng thấp nên giá bán thấp, khó tiêu thụ.

Trong giai đoạn 2017 – 2020, lượng muối nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan phân giao trung bình mỗi năm là 62,5 nghìn tấn trong tổng lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu công bố là 110 nghìn tấn. Tổng nhu cầu muối công nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất xút hiện nay khoảng 350 nghìn tấn/năm. Lượng muối nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan phân giao còn thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất hóa chất trong khi nguồn nguyên liệu muối trong nước chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng. Đối với thị trường xuất khẩu, hiện tại sản phẩm muối biển sạch, giàu vi lượng có lợi sức khỏe của Việt Nam đã xuất khẩu sang một số nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… nhưng số lượng còn ít, mỗi năm xuất khẩu khoảng 20-40 nghìn tấn muối sạch. Các doanh nghiệp đang thúc đẩy, tìm kiếm thị trường xuất khẩu muốn nhằm đem lại giá trị kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, muối là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu đối với xã hội và con người. Muối không chỉ dùng để ăn, dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm mà còn dùng trong lĩnh vực y tế, trong công nghiệp hóa chất và một số ngành khác. Việc phát triển ngành muối của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại. Đó là các vùng sản xuất trên toàn quốc đều hình thành từ lâu và mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Cơ sở hạ tầng muối không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên xuống cấp trầm trọng. Số lượng đồng muối sản xuất theo quy mô công nghiệp còn ít so với nhu cầu. Một số tiến bộ khoa học đã được áp dụng nhưng chưa mang tính đồng bộ nên chưa phát huy được hiệu quả. Hiện nay, cả nước có 72 cơ sở sản xuất và chế biến muối thuộc mọi thành phần kinh tế như: hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp, doanh nghiệp. Tuy nhiên các đơn vị này đều có quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, sản lượng nhỏ.

Đáng chú ý là tại Pháp, sản lượng muối hàng năm khoảng từ 6-7 triệu tấn. Việc thúc đẩy chỉ dẫn địa lý không tách rời đối với ngành muối. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp do nông dân quản lý và thành lập cùng nhau phải đóng góp chi phí, cùng chia sẻ rủi ro. Người nông dân phải trực tiếp giao hàng đến công ty. Việc thanh toán được điều chỉnh bằng hợp đồng cụ thể, và tất cả đều được chia sẻ bởi người diêm dân. ngành muối cần có những thay đổi căn bản theo hướng sản xuất, chế biến phải theo nhu cầu của thị trường, đa dạng hóa các chủng loại. Đồng thời, phát huy lợi thế của từng vùng, từng miền, phân công sản xuất và hợp tác để cùng phát triển.

Đỗ Nhung