Cụ thể, giới chuyên môn nhận định rằng hàng thủy sản của Việt Nam ngày càng có khả năng cạnh tranh cao hơn tại thị trường Nga tuy nhiên thì thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nga tăng chậm. Theo số liệu tổng hợp, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga trong 11 tháng đầu năm 2021 đạt gần 150 triệu USD - tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020. Với những ưu đãi về thuế quan theo VN- EAEUFTA, hàng thủy sản của Việt Nam ngày càng có khả năng cạnh tranh cao hơn tại thị trường Nga. Dù vậy, thị trường này chiếm chưa tới 2% tổng kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam.
Thêm vào đó, Liên bang Nga là thị trường được doanh nghiệp (DN) Việt Nam quan tâm nhất, tuy nhiên, số DN được cấp phép XK vào thị trường này còn hạn chế, thủ tục đăng ký phức tạp, thời gian xét duyệt kéo dài, việc giải trình và khắc phục đối với những lô hàng bị cảnh báo, gỡ bỏ lệnh hạn chế XK của DN vẫn chưa được xử lý kịp thời, gây ảnh hưởng đến quy trình xuất khẩu của doanh nghiệp. Khó khăn nổi cộm mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt hiện nay là chi phí vận tải, cước vận chuyển tăng từ 12 - 15%; thanh toán bằng đồng USD nên việc tỷ giá giữa đồng Rub và đồng USD không ổn định đã tác động đáng kể đến xuất khẩu của doanh nghiệp. Đáng chú ý, các hàng rào phi thuế quan như quy định an toàn thực phẩm, kiểm dịch chất lượng của Nga khá chặt chẽ theo quy định riêng của Nga cũng như theo VN- EAEUFTA. Giới chuyên môn cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt rằng trong thời gian tới chúng ta cần tăng cường trao đổi hợp tác nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thanh toán song phương bằng đồng nội tệ như Nga đang áp dụng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trinh Quách