Nhà sản xuất chip nhớ Trung Quốc đạt được bước tiến bất chấp lệnh hạn chế từ Mỹ

21:15 29/10/2023

Chip nhớ 3D NAND của YMTC, được tìm thấy trong một ổ cứng sản phẩm được ra mắt lặng lẽ vào tháng 7, cho thấy nhà sản xuất này đã tiếp tục phát triển công nghệ tiên tiến mặc dù bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của TechInights, nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc Yangtze Memory Technologies Co (YMTC) đã sản xuất chip nhớ 3D NAND “tiên tiến nhất thế giới” được sử dụng trong một thiết bị tiêu dùng, tạo “bước nhảy vọt công nghệ bất ngờ” bất chấp các lệnh hạn chế xuất khẩu chip từ Mỹ.

Theo một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ gần đây, chip nhớ 3D NAND của YMTC, được tìm thấy trong một ổ cứng sản phẩm được ra mắt lặng lẽ vào tháng 7, cho thấy nhà sản xuất này đã tiếp tục phát triển công nghệ tiên tiến mặc dù bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt sau khi bị đưa vào Danh sách Thực thể của Bộ Thương mại Mỹ từ tháng 12 năm ngoái.

Bộ nhớ 3D NAND luôn đi đầu trong thiết kế chip nhớ và là thành phần quan trọng cho điện toán hiệu năng cao trong các ứng dụng như trí tuệ nhân tạo và học máy.

Sự phát triển của YMTC diễn ra sau phân tích phân tích trước đó từ TechInsights về bộ xử lý Kirin 9000s 5G trong smartphone Huawei Mate 60 Pro trình làng hồi tháng 8. Kirin 9000s được SMIC (nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc) sản xuất, khiến nhiều nhà phân tích trong ngành ngạc nhiên do công ty này và Huawei đều bị Mỹ đưa danh sách đen thương mại từ lâu.

“Giống như sự đổi mới được TechInsights tiết lộ trong bộ xử lý HiSilicon Cortex 9000s của Huawei Mate 60 Pro (sử dụng quy trình SMIC 7 nanomet N+2), ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy động lực của Trung Quốc trong việc vượt qua các hạn chế thương mại và xây dựng nguồn cung cấp chất bán dẫn trong nước của riêng mình thành công hơn mong đợi”, TechInsights cho biết trong báo cáo.

YMTC và 21 công ty Trung Quốc lớn khác trong lĩnh vực chip đã bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể vào giữa tháng 12.2022 trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.

Thời điểm đó, YMTC (có trụ sở tại thành phố Vũ Hán) đang trên đà thách thức các công ty dẫn đầu về chip nhớ như Samsung Electronics, SK Hynix (Hàn Quốc) và Micron Technology (Mỹ) với chip 3D NAND flash hàng đầu là X3-9070 với 232 lớp. Triển vọng sản xuất hàng loạt chip này chững lại sau khi các nhà cung cấp thiết bị của Mỹ như KLA, Lam Research ngừng bán và cung cấp dịch vụ cho YMTC.

Tuy nhiên theo TechInsights, sự suy thoái gần đây trên thị trường chip nhớ và sự tập trung đổi mới vào các biện pháp tiết kiệm chi phí trong ngành có thể đã mang đến cho YMTC cơ hội phát triển chip mật độ bit cao hơn, tiên tiến hơn.

Sau khi bị liệt vào Danh sách thực thể, YMTC tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp trong nước để sản xuất chip nhớ dựa trên kiến trúc Xtacking 3.0 của mình. Dự án mang tên Wudangshan, lấy theo tên núi Võ Đang, đã đi đúng tiến độ. Một trong những đối tác chiến lược của công ty là Naura - nhà sản xuất công cụ khắc hàng đầu của Trung Quốc và là đối thủ của Lam Research. Để giảm rủi ro từ Mỹ, công ty được cho là đã đề nghị các nhà cung cấp nội địa xóa logo cũng như dấu hiệu nhận biết trên thiết bị.

Tháng 4 năm nay, SCMP cũng đã đưa tin về việc YMTC đã đang nỗ lực hợp tác với các nhà cung cấp Trung Quốc để giúp sản xuất những con chip tiên tiến nhất, cố gắng bù đắp những "lỗ hổng" tạo ra bởi các lệnh hạn chế của Washington.

Ngoài YMTC thì SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, cũng được cho là đã sử dụng máy quang khắc với công nghệ in thạch bản nhúng (DUV) của ASML, kết hợp công cụ riêng để tạo ra mẫu chip Kirin 9000S trang bị trên điện thoại thông minh Huawei Mate 60.

Quy trình DUV – khi sản xuất ở quy mô lớn – được ước tính đắt hơn so với việc sử dụng các hệ thống in thạch bản EUV tiên tiến hơn, mà ASML đã bị cấm bán cho Trung Quốc kể từ năm 2019.

Tại Trung Quốc, chính phủ hiện đang sẵn sàng gánh một phần đáng kể chi phí sản xuất chip. Các công ty Trung Quốc đã dự trữ hợp pháp DUV trong nhiều năm, đặc biệt là sau khi Mỹ đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ban đầu vào năm ngoái trước khi Nhật Bản và Hà Lan tham gia.

Mặc dù những đột phá về chip gần đây ở Trung Quốc đã khuấy động sự phấn khích trong nước về tiến bộ của nước này trong việc sản xuất chip tiên tiến trong nước, một số chuyên gia cảnh báo rằng các công ty Trung Quốc vẫn còn khoảng cách xa trong việc sản xuất các hệ thống in thạch bản cần thiết để đạt được tiến bộ thực sự.

Thu Phương (t/h)