Nguyên nhân khiến việc bán hàng online ngày càng khó khăn

17:10 12/01/2024

Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực TMĐT khi doanh số bán hàng online liên tục tăng cao. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp bán lẻ, việc bán hàng trên các nền tảng trực tuyến không còn là mảnh đất màu mỡ như trước đây.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

1. Gia tăng các loại phí

Ngày nay, các sàn thương mại điện tử ngày càng tăng cường các khoản phí đối với những doanh nghiệp bán lẻ. Ban đầu, những nền tảng này cung cấp dịch vụ miễn phí hoặc có chi phí thấp, kèm theo ưu đãi như mã giảm giá và phí vận chuyển hấp dẫn, tuy nhiên, theo thời gian, các sàn thương mại điện tử đã áp đặt nhiều loại phí khác nhau, bao gồm phí cố định, phí thanh toán, thuế, phí cho mã giảm giá, và phí quảng cáo, buộc các doanh nghiệp phải chi trả khoản phí lớn nếu muốn tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, những nhà bán lẻ trực tuyến còn phải đối mặt với các chi phí khác như lương cho nhân viên, chi phí đóng gói, chi phí kho bãi, và chi phí vật tư. Sự gia tăng đa dạng về loại phí từ phía các sàn thương mại điện tử đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận, khiến cho những người bán lẻ chỉ có thể thực hiện theo các quy định và điều kiện mà các sàn đặt ra.

2. Sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường 

Thị trường bán hàng trực tuyến ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với sự tham gia rộng rãi từ cả doanh nghiệp lớn và nhỏ. Điều này đang tạo ra sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặt ra thách thức lớn cho những nhà bán lẻ trực tuyến khi họ cố gắng thu hút và duy trì lượng khách hàng.

Bên cạnh đó, người mua ngày càng đặt ra những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng và giá cả cạnh tranh. Điều này tạo áp lực lớn cho những nhà bán lẻ trực tuyến, đòi hỏi họ phải nỗ lực không ngừng để có thể thu hút và giữ chân khách hàng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

3. Cạnh tranh xuyên biên giới

Không chỉ thế, nhiều nhà bán lẻ online ở Việt Nam hiện phải đối mặt với thách thức khi cạnh tranh với hàng nhập từ các nước lân cận, đặc biệt về giá cả và thời gian giao hàng. Ví dụ hàng nhập từ Trung Quốc thường có giá cả phải chăng, mẫu mã và kiểu dáng đa dạng. Với mã miễn phí vận chuyển, người mua hàng chỉ cần đợi vài ngày đã có thể nhận hàng, trong khi mua hàng trong cùng một thành phố ở Việt Nam có thể mất phí ship và cũng phải chờ đợi khoảng thời gian tương tự.

Sự xuất hiện ngày càng phổ biến của nhà bán lẻ xuyên biên giới từ Trung Quốc trên các sàn thương mại điện tử làm gia tăng sự khó khăn cho các cửa hàng Việt Nam, vì sản phẩm của họ thường khó cạnh tranh về giá.

4. Khả năng quản lý và chiến lược kinh doanh

Nhà bán lẻ trực tuyến thường gặp khó khăn do thiếu kiến thức và nguồn thông tin về thị trường, thiếu khả năng kiểm soát chi phí và thiếu chiến lược kinh doanh. Sự chuyên nghiệp hóa thương mại điện tử đang làm nhiều cửa hàng phải đối mặt với tình trạng trả mặt bằng kinh doanh và rời bỏ thị trường.

Dù bán hàng online vẫn tiềm ẩn cơ hội nhưng để thành công các nhà bán lẻ cần lên chiến lược cụ thể và đề ra phương hướng quản lý hiệu quả hơn trong môi trường cạnh tranh đầy khó khăn như hiện nay.

H.C (t/h)