Ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược về phát triển KHCN, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm quan sát thực địa vị trí quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, ngày 5/12. Ảnh: TTXVN |
Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo
Điều đặc biệt, lần đầu tiên một nghị quyết của Bộ Chính trị mà đích thân Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trường Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Điều này chứng tỏ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng khác, cuộc cách mạng KHCN, sau cuộc cách mạng tinh giản bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị để đạt yêu cầu: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Trước đây đã có rất nhiều nghị quyết đề cao vai trò then chốt của khoa học và kỹ thuật nhưng tác động thực tế đi vào đời sống của những nghị quyết như vậy chỉ có giới hạn.
Việc triển khai Nghị quyết 57 thực sự là một cuộc cách mạng có tính thời sự khi mà thế giới đang trải thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hơn 10 năm (từ 2013). Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã đưa thế giới chuyển mình theo các bước tiến của công nghệ, đưa nhân loại lên một tầm cao mới. Đây được cho là bước chuyển mình khủng khiếp của thế giới; được xem là thời đại của công nghệ, nơi mà tất cả các loại máy móc đều được tự động hóa và trao đổi thông tin qua dữ liệu. Các loại robot thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến các tính năng như quản lý, tính toán. Thậm chí là đưa ra những quyết định kịp thời, thay thế con người nhờ vào thiết bị cảm biến.
Việt Nam chúng ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất, quản lý, quản trị xã hội… đã chậm bước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, trong khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên chuyển đổi AI.
ChatGPT được phát triển bởi OpenAI, là một trong những sản phẩm AI tiên phong trong lĩnh vực trò chuyện tự nhiên. |
Nghị quyết 57 chỉ ra rất rõ: “Tốc độ và sự bứt phá về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, công chức và nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc; nghiên cứu, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức”.
Từ những nhận định đó, Nghị quyết 57 muốn mở ra cuộc cách mạng KHCN, để làm thay đổi lực lượng sản xuất lẫn chất lượng nền kinh tế.
Trước tiên, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh đến vai trò then chốt của KHCN như là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc đầu tư vào KHCN không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu mà còn tạo ra những cơ hội mới để nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nghị quyết xác định: “Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của đân tộc”.
Mục tiêu năm 2030 Việt Nam sẽ vào nhóm dẫn đầu Đông Nam Á về AI
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đạt trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, dẫn đầu nhóm các nước thu nhập trung bình cao. Năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trên mức trung bình thế giới và một số lĩnh vực KHCN đạt đẳng cấp quốc tế.
Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển AI, năng lực cạnh tranh số, Chính phủ điện tử và trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số với ít nhất năm doanh nghiệp công nghệ ngang tầm quốc tế.
Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 55% vào tăng trưởng kinh tế; sản phẩm công nghệ cao chiếm ít nhất 50% giá trị hàng xuất khẩu; kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến và giao dịch không dùng tiền mặt đều vượt 80%. KHCN và đổi mới sáng tạo góp phần duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) trên 0,7. Kinh phí nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt 2% GDP.
Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học đạt 12 người trên một vạn dân; 40-50 tổ chức khoa học được xếp hạng khu vực và quốc tế; công bố khoa học quốc tế tăng 10%/năm; đơn đăng ký sáng chế tăng 16-18%/năm, với tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8-10%.
Từng bước làm chủ các công nghệ chiến lược như AI, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, chuỗi khối, bán dẫn, 5G-6G, công nghệ lượng tử và nano, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Sau 6 năm nữa toàn quốc sẽ phủ sóng 5G. Ít nhất ba doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới được thu hút đến đặt trụ sở, đầu tư, nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
Đặt mục tiêu kinh tế số chiếm ít nhất 50% GDP vào năm 2045, trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới, nằm trong nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với tối thiểu 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.
Sáu giải pháp then chốt
1. Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
2. Hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Có nhiều vấn đề táo bạo và thực tiễn được đặt ra, như sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về KHCN, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực.
Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.
Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Cơ cấu lại nguồn ngân sách chi sự nghiệp KHCN bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Có cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ, học hỏi, sao chép các công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
3.Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Ban hành Chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược (ưu tiên các lĩnh vực quốc phòng, không gian, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, bán dẫn, công nghệ lượng tử, robot và tự động hoá…); có cơ chế thử nghiệm chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ chiến lược. Bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược.
Ban hành các chiến lược nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong khai thác, phát triển không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ. Chú trọng phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng mới, năng lượng sạch và bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển KHCN, các ngành công nghiệp chiến lược. Quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, nhất là đất hiếm để phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo.
Phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ số.
Học sâu là một nhánh khác của AI tạo hoạt động dựa trên các mạng nơ-ron nhân tạo (neural network), lấy cảm hứng từ bộ não con người. Học sâu giúp giải quyết những vấn đề phức tạp như cách mà bộ não con người vẫn làm, thông qua việc sử dụng nhiều thuật toán khác nhau. |
Có cơ chế hợp tác công tư để phát triển hạ tầng số hiện đại, trong đó nguồn lực nhà nước là chủ yếu. Phát triển hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững, hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh, mạng cáp quang băng thông rộng tốc độ cao phủ sóng toàn quốc, mạng thông tin di động 5G, 6G và các thế hệ tiếp theo.
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; thu hút doanh nghiệp nước ngoài đặt trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây tại Việt Nam. Sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả Trung tâm dữ liệu quốc gia; đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu vùng. Xây dựng, phát huy hiệu quả dữ liệu quốc gia, dữ liệu của bộ, ngành, địa phương bảo đảm liên thông, tích hợp, chia sẻ. Xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn có chủ quyền của Việt Nam. Hình thành ngành công nghiệp dữ liệu lớn của Việt Nam. Phát triển mạnh mẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên dữ liệu lớn đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng.
4. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hoá học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên các lĩnh vực. Ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống. Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước. Xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch, kỹ thuật và công nghệ then chốt; đẩy mạnh hợp tác với các đại học uy tín của nước ngoài; đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, hiện đại hoá phương thức đào tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhất là trí tuệ nhân tạo.
5. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
6. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Đây là những giải pháp táo bạo, như một cuộc cách mạng về KHCN để làm đòn bẩy tiến tới cách mạng AI mà thế giới đang chuyển mình.
Để chuẩn bị cho cuộc cách mạng này, thời gian qua Việt Nam đã kéo được Tập đoàn chip lớn nhất thế giới NVIDA của tỷ phú Jensen Huang xây dựng trung tâm nghiên cứu AI thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc).
Việc NVIDA đầu tư lớn tại Việt Nam là bước đi đột phá, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn.
Không chỉ có NVIDIA mà đang có một làn sóng đầu tư FDI vào công nghiệp bán dẫn, AI, blockchain và các ngành công nghệ tương lai khác. Làn sóng này đã bắt đầu từ năm 2023 khi có hàng loạt tập đoàn FDI lớn tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.
Google cũng chọn Việt Nam để mở rộng chiến lược đầu tư, cũng là cơ hội giúp Việt Nam có thể định hình lại nền kinh tế và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Sắp tới đây là SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Qualcomm, Meta, Lam Research, Qorvo, AlChip…
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 57 mở ra một khung trời mới cho đổi mới sáng tạo, làm nên một cuộc cách mạng KHCN, để đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.