Xòe là một loại hình nghệ thuật dân gian của dân tộc Thái tại Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội làng truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Xòe Thái được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, các đội văn nghệ, trường học. Điệu xoè đã trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và là một dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.
Xòe có ba loại chính là Xòe tín ngưỡng, Xòe giải trí và Xòe biểu diễn. Sau này, một số điệu Xòe kết hợp với đạo cụ và mang tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe chai, Xòe tính tẩu. Xòe vòng phổ cập trong các sự kiện văn hóa quan trọng của cộng đồng và gia đình với sự tham gia của đông đảo mọi người. Các điệu Xòe có những động tác cơ bản là: vung tay, mở tay, cầm tay, bước chân, nhấc chân, nhún chân, nghiêng phải, nghiêng trái. Với Xòe ở Mường So (Phong Thổ, Lai Châu), động tác múa được thể hiện bằng cách nhún năm đầu ngón chân, tay vung cao, các bước chuyển lướt nhanh hơn.
Di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam được ghi danh lần này là nghệ thuật Xòe được thực hành tại các bản của người Thái chủ yếu ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Trong đó, Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).
Nghệ thuật Xòe Thái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
NĐ (T/h)