Tại hội nghị Sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sáng 14/7, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang gặp nhiều khó khăn.
Xuất khẩu gặp khó chủ yếu do tác động của xung đột Nga-Ukraine, khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, chi phí tăng cao, cùng với tình hình lạm phát của các nước tăng cao khiến nhu cầu mua sắm giảm. Trước khó khăn trên, dự báo xuất khẩu lâm sản cả năm 2022 đạt khoảng 16,3 tỷ USD, xấp xỉ với mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ chủ động họp bàn với các hiệp hội và các doanh nghiệp để một mặt vẫn chủ động đáp ứng các hợp đồng đã ký, mặt khác mở rộng ra các thị trường, ít bị biến động ảnh hưởng, để không phụ thuộc vào một thị trường nào đó. Ngành bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu lâm sản đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2022.
Đối với nguồn nguyên liệu trong chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tăng cường việc sử dụng nguyên liệu trong nước, đặc biệt là gỗ rừng trồng. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động sản xuất các sản phẩm phụ trợ để giảm giá thành một cách thấp nhất và đa dạng hóa các sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ngành lâm nghiệp sẽ tập trung thực hiện, phối hợp các ngành chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đồng thời, nhân rộng mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm, qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.
PV