Tuần vừa rồi, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 6.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhưng không thành viên nào đấu thầu thành công. Giới phân tích trên thị trường cho rằng, diễn biến này xuất phát từ cả hai phía cung và cầu.
Theo đó, ở phía cầu, với bối cảnh lo ngại về lạm phát và rủi ro địa chính trị càng hiện hữu, các thành viên tham gia thị trường đều kỳ vọng vào một đợt tăng lợi suất trái phiếu Chính phủ.
Điều này thể hiện rõ nhất ở việc vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất – cao nhất đồng loạt tăng so với phiên trước đó, với mức tăng phổ biến từ 0,1 – 0,3 điểm phần trăm.
Hiện tại, đã xuất hiện sự chênh lệch tương đối lớn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ trên 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Trong đó, mặc dù đã hạ nhiệt so với thời điểm cách đây 1 tuần, nhưng lợi suất trái phiếu thứ cấp vẫn ở vùng cao. Cụ thể, 1 năm 1,35%; 3 năm 1,46%; 5 năm 1,52%; 10 năm 2,27%; 15 năm 2,61%; 20 năm 2,90% và 30 năm 3,04%.
Trái lại, lợi suất trái phiếu Chính phủ sơ cấp vẫn đi ngang. Kỳ hạn 10 năm khoảng 2,15%; 15 năm 2,45% và 30 năm 3%.
Ở phía cung, Kho bạc Nhà nước chưa thực sự gặp áp lực phát hành do tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn tương đối thấp trong 2 tháng đầu năm (chỉ đạt khoảng 8,6% kế hoạch của Chính phủ).
Thêm vào đó, thu ngân sách đang có dấu hiệu tích cực. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sau 2 tháng đầu năm 2022, Ngân sách Nhà nước đang bội thu khoảng 95,6 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước bơm 1.019 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh cầm cố (OMO), trong khi đó có 968 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn (hút về). Như vậy, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 51 tỷ đồng. Cùng với lượng tín phiếu chưa được đáo hạn, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố được nâng lên gần 1,7 nghìn tỷ đồng.
PV