Dự tính lợi nhuận ròng của Ngân hàng VIB sẽ vượt qua con số 8.600 tỷ đồng vào năm 2023, và để đáp ứng nhu cầu của cổ đông, ngân hàng này sẽ bỏ ra hơn 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức.
Trong hai quý đầu năm 2023, VIB đã chi hơn 2.100 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2022. Tỷ lệ cổ tức là 15%, được chia thành hai đợt vào tháng 3 và tháng 5 năm 2023 với tỷ lệ lần lượt là 10% và 5%. Ngoài việc trả cổ tức bằng tiền mặt, VIB còn chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 20%.
Ngoài ra, vào cuối tháng 6/2023, VIB còn phát hành thêm 7,6 triệu cổ phiếu ESOP cho các nhân viên của mình. Tổng số cổ phiếu này đã giúp tăng vốn điều lệ của ngân hàng lên con số 25.368 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2023, VIB đã ghi nhận được khoản thu nhập lãi lên đến 13.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, khoản thu nhập từ các hoạt động khác cũng đóng góp 20% vào tổng thu nhập. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt và chỉ tăng 4,5% so với năm trước, ở mức 4.840 tỷ đồng.
Sau 9 tháng đầu năm, VIB đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên đến 8.325 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27%, duy trì vị trí dẫn đầu trong ngành.
Trên thị trường chứng khoán, sau khi công bố sẽ nhận được tiền mặt từ cổ tức, cổ phiếu VIB đã có một tuần đầu năm mới rực rỡ với chuỗi tăng liên tục từ 2/1/2024 đến 5/1/2024. Hiện tại, cổ phiếu VIB đang giao dịch quanh mức 20.900 đồng/cp.
Trong cuộc họp đầu tư diễn ra vào tháng 10/2023 vừa qua, Ban Lãnh đạo của Ngân hàng VIB đã dự tính lợi nhuận trước thuế trong cả năm sẽ đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước đó.
Theo đánh giá mới đây của công ty chứng khoán ACB Securities (ABCS), Ngân hàng VIB vẫn duy trì được lợi thế đáng kể dù đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và những diễn biến bất lợi trong ngành ngân hàng. Điều này là nhờ vào chi phí vốn thấp hơn so với các đối thủ, mặc dù Ngân hàng VIB là một ngân hàng tư nhân bán lẻ có quy mô trung bình.
Trong thời gian qua, Ngân hàng VIB đã áp dụng chiến lược tận dụng nguồn vốn ngắn hạn từ thị trường liên ngân hàng (với lãi suất thấp) cùng với việc huy động nguồn vốn dài hạn từ các tổ chức tài chính nước ngoài với mức lãi suất thấp hơn so với trong nước.
Chiến lược này cho phép Ngân hàng VIB giảm thiểu chi phí vốn một cách tối đa. Đồng thời, cho phép ngân hàng này có thể sử dụng các nguồn vốn từ nước ngoài để hỗ trợ cho việc cho vay mua nhà và mua ô tô với thời hạn dài; trong khi tiền gửi của khách hàng trong nước thường chỉ là ngắn hạn, không quá 12 tháng.
H.M (t/h)