Trong lễ cấp sắc, người thụ lễ được đặt pháp danh - tên âm và được học những giáo lý về đạo đức, nhân sinh quan. Sau khi trải qua lễ này, người đàn ông Dao Thanh Y được công nhận là con cháu Bàn Vương và được trao quyền làm thầy, thờ cúng tổ tiên. Vì vậy, đây là hoạt động hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Dao Thanh Y.
Theo phong tục của người Dao Thanh Y, trong quá trình thực hiện lễ cấp sắc thì ban đầu phải chuẩn bị cho lễ cấp sắc, gia đình người thụ lễ phải chuẩn bị khá công phu gồm gạo, thịt, rượu, quần áo, tranh thờ, nhạc cụ truyền thống… Việc tổ chức to hay nhỏ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y thường được tổ chức khi thầy xem ngày, tháng đẹp vì không phải cứ thích cấp sắc là cấp sắc được; trong quá trình thực hiện cả bản đến giúp hành lễ và phần hội được tổ chức cho cộng đồng cùng tham gia ngay tại nhà gia chủ.
Theo ông Triệu Văn Thanh sinh sống tại Thôn Éo, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là một già làng trong bản chia sẻ, lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y được ông bà từ xa xưa truyền lại. Nam giới khi ban đầu mới sinh ra phải đặt tên âm, nếu không làm lúc nhỏ khi lớn lên hay lúc về già vẫn phải làm mà nếu không làm thì vẫn là trẻ con và khi qua đời sẽ không có tên âm để con cái dâng hương lễ nạp.
Trong quá trình thực hành lễ cấp sắc, thầy cúng sử dụng một số nhạc cụ, đạo cụ trong một số nghi lễ nhất định. Ngoài trang phục của thầy cúng và con thầy, trong lễ cấp sắc không thể thiếu tranh thờ, sách cúng, vải trắng, thanh âm dương, dấu gỗ, tích trượng, đèn, nến. Nhạc cụ gồm có trống, thanh la, nạo bạt, chiêng, tù và chuông.
Trình tự của nghi lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y bao gồm: Gia đình người được cấp sắc làm lễ nhận thầy cả và thầy hai; Trong đó, thầy cả làm lễ cấp đèn, cấp hương cho người được cấp sắc. Sau đó, cả hai thầy làm lễ cấp đèn cho người được cấp sắc. Thầy cả đứng trước ban thờ tổ tiên, thần linh cầu phù hộ và xin đưa thần linh đến nhà người thụ lễ để làm lễ cấp sắc, xin được lấy tên cho người được cấp sắc. Đặt tên xong thầy cả làm lễ cấp phép cho người cấp sắc. Thầy hai và người được cấp sắc đứng trước ban thờ đọc bài cúng xin thần linh về chứng giám. Sau đó, thầy hai và người được cấp sắc cùng nhảy múa theo nhịp nhạc trống, chiêng.
Nghi lễ cấp sắc, cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y đề cao tính giáo dục luân thường, đạo lý truyền thống đối với nam thanh niên. Các thành viên trong mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng Dao có dịp nghe lại lịch sử của gia đình, dòng tộc, hiểu hơn về nguồn cội, ghi nhớ công ơn tổ tiên, cha ông, từ đó tự điều chỉnh mình, sống sao cho xứng đáng với tổ tiên, dòng tộc. Tại lễ cấp sắc có hai phần lễ và hội được tổ chức đan xen. Nếu như phần lễ nghiêm trang thì phần hội lại sôi động, vui tươi. Tất cả mọi người trong bản, từ cụ già đến thanh niên và các em nhỏ, ai có mặt đều hòa mình vào điệu múa Dao Thanh Y trong tiếng trống, tiếng chiêng và tiếng những quả chuông lắc ở tay rất nhịp nhàng.
Lễ cấp sắc luôn được người Dao Thanh Y tại Tuyên Quang gìn giữ, phát huy và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể năm 2016, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vũ Tiến