Theo đó, sau 2 năm thực hiện Quyết định 149 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, Kế hoạch hành động số 569 của UBND tỉnh thực hiện các nội dung về chiến lược tài chính toàn diện, Nghệ An đã lồng ghép các mục tiêu vào các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và hằng năm của tỉnh. Đồng thời, lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Nhờ vậy, một số chỉ tiêu về chiến lược tài chính toàn diện của Nghệ An đạt và vượt so với tỷ lệ chung của cả nước.
Đến nay, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy, hạ tầng dịch vụ ngân hàng đã phát triển đầy đủ, rộng khắp các địa phương, tạo điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng đến các tổ chức, cá nhân, trong đó có một số chỉ tiêu đạt và vượt so với toàn quốc như: Tỷ lệ xã, thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính/Tổng số xã, thị trấn trên địa bàn đến hết năm 2021 là 33,41% (cả nước là 32,13%); Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản giao dịch ngân hàng đến 30/6/2022 là 75% (cả nước là 68,44%); Tỷ lệ dư nợ tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn là 45% (cả nước là 25%)…Đến hết năm 2021, toàn tỉnh Nghệ An có 2,13 triệu thẻ ngân hàng lưu hành, 2.643 đơn vị trả lương qua tài khoản. 87% tổng số tiền thanh toán tiền điện qua ngân hàng. 47,6% tổng số tiền thanh toán tiền nước qua ngân hàng. 87% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán qua ngân hàng. 40,3% số cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị đã chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng…
Công tác tuyên truyền, giáo dục về tài chính toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An được quan tâm, chú trọng. Đồng thời, minh bạch hoá cơ cấu phí và các loại phí dịch vụ đối với người tiêu dùng tài chính và áp dụng hiệu quả các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 5 chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô TYM. 1 chương trình tài chính vi mô VietED. Hoạt động tài chính vi mô của Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Hoạt động của các tổ chức, chương trình này đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc họp nêu trên, Nghệ An đã kiến nghị, đề xuất một số vấn đề: Đề nghị ngành ngân hàng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện về chiến lược chuyển đổi số quốc gia; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư để thúc đẩy và phát triển tài chính toàn diện; Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với ngân hàng và các bộ, ngành liên quan nhằm tích hợp dữ liệu công dân với căn cước công dân và tài khoản ngân hàng để người dân tiện sử dụng.
Được biết, với mục tiêu mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững, thời gian qua, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã xác định rõ phạm vi của các dịch vụ tài chính cơ bản và các nhóm đối tượng ưu tiên. Đó là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, những người yếu thế như phụ nữ, người già, người khuyết tật, lao động di cư, và doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Chiến lược cũng đặt ra các giải pháp bao phủ toàn bộ các khía cạnh của tài chính toàn diện, gồm: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; phát triển các tổ chức, kênh cung ứng; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính; hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng của cơ sở hạ tầng tài chính; giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Nhờ những nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nên mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân, doanh nghiệp đã có sự cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Văn Cương