Theo thống kê, cho đến nay, Việt Nam có khoảng 750.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Việc thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2016-2018, số lượng dự án đăng ký và vốn đầu tư giải ngân tăng nhanh.
Riêng năm 2018, vốn giải ngân đạt gần 20 tỷ USD. Trong những thành công ấy có sự đóng góp không nhỏ của Luật Đầu tư nói riêng cũng như các chính sách phát triển nền kinh tế nói chung.
Kế thừa tinh thần tiến bộ của Luật Đầu tư qua các phiên bản, Luật Đầu tư 2020 vừa được Quốc hội thông qua đã có nhiều điểm mới tiến bộ, được kỳ vọng là bệ đỡ vững chắc cho quá trình đầu tư của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, với Luật Đầu tư 2020, Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Trọng tài viên VIAC nhấn mạnh, Luật Đầu tư đã được sửa đổi với nhiều điểm mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Những bổ sung về ngành nghề ưu đãi đầu tư
Theo đó, về ngành nghề ưu đãi đầu tư Điều 16 Luật Đầu tư năm 2020 có bổ sung những nội dung mới về sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, giáo dục đại học, sản xuất trang thiết bị y tế, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Hay, Điều 15 bổ sung thêm quy định về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư theo các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp hay theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đồng thời, thêm hình thức ưu đãi đầu tư là khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Luật Đầu tư năm 2020 cũng quy định rõ ràng, thu hẹp và làm rõ phạm vi đối tượng được hưởng ưu đãi. Từ đó, chính sách ưu đãi đầu tư được hiệu quả hơn khi xác định được đối tượng hưởng phù hợp, xứng đáng.
Những thay đổi cụ thể của Luật Đầu tư năm 2020 về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư bổ sung thêm tiêu chí có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động đối với đối tượng là dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên; thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Vô vàn những ưu đãi đầu tư đặc biệt
Điểm mới nổi bật về ưu đãi đầu tư của Luật Đầu tư năm 2020 khi cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay.
Chính phủ có thể trình Quốc hội quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại luật này và các luật khác trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Chính phủ quyết định việc áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đó, dự án đầu tư thành lập mới gồm các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, ưu đãi đầu tư đặc biệt không áp dụng đối với: Dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành.