Các công nghệ mới được chuyển giao cho AIC lần này liên quan đến nhiều vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm như: An ninh mạng; điều khiển học cho các hệ thống tự hành; công nghệ viễn thám ứng dụng cho phân tích, dự báo về biến đổi khí hậu, dự báo thời tiết và địa chất, khoáng sản; tổng hợp và phân tích, xây dựng kế hoạch điều phối nguồn năng lượng nhiệt cho các thành phố lớn; công nghệ xử lý nước bẩn, nước ô nhiễm thành nước uống không cần dùng pin hay nhiên liệu; công nghệ xử lý ô nhiễm đất (dyoxin & các chất tồn dư bảo vệ thực vật); công nghệ nâng cao hiệu suất khai thác giếng dầu; công nghệ giúp tăng hiệu suất các tấm pin năng lượng mặt trời lên 3 lần so với các công nghệ hiện tại... Trong đó đáng chú ý có công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu lớn, phục vụ việc xây dựng các chương trình quốc gia thông minh, thành phố thông minh tại Việt Nam. Đặc biệt, phía Nga đã đồng ý chuyển giao cho Việt Nam công nghệ cầm máu vết thương, vết mổ chỉ mất khoảng 10-30 giây mà không cần băng bó.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Giáo sư, Viện sĩ Vitaly Chelnokov, Viện Hàn lâm Quốc tế về Khoa học Hệ thống (MASI) LB Nga cho biết: "Chúng tôi có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp lâu đời với các đối tác Việt Nam, đặc biệt là Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC trong nhiều lĩnh vực. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh tốc độ và đưa được nhiều công nghệ mới của Nga đến với Việt Nam, trong đó có công nghệ thực phẩm, công nghệ xử lý môi trường, y tế và nhiều công nghệ hiện đại khác. Trong thỏa thuận đã chi tiết hóa các nhiệm vụ cụ thể mà hai bên sẽ thực hiện trong thời gian tới. Tôi hy vọng những công nghệ này sẽ giúp người dân Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp hơn".
Còn Giáo sư, Viện sĩ Aleksandr Egorov thuộc Trường Đại học Tổng hợp Công nghệ Hoá học Mendeleev cho rằng, sự hợp tác khoa học giữa hai bên đang đi đúng hướng, sẽ gặp hái được nhiều thành công và góp phần giúp người dân Nga cũng như người dân Việt Nam có cuộc sống khỏe mạnh hơn, tiện nghi hơn và tuổi thọ được nâng cao hơn.
Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC hiện là một trong những đơn vị đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển các ứng dụng, giải pháp công nghệ tiên tiến, xây dựng thành phố thông minh, quốc gia thông minh. Đây cũng là đơn vị duy nhất của Việt Nam đoạt giải "Ý tưởng, mô hình quốc gia thông minh" suất sắc nhất tại cuộc thi toàn cầu về Thành phố Thông minh (Global Smart Cities Contest 2018) do Tổ chức Thành phố Thông minh Thế giới phối hợp với một số đơn vị tổ chức.
Tại buổi lễ ký kết hợp tác, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, Tiến sĩ, Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn bày tỏ lòng biết ơn các nhà khoa học Nga trong thời gian qua đã nhiệt tình hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai nhiều chương trình hợp tác về khoa học công nghệ, cũng như chuyển giao những thành tựu công nghệ mới đang ứng dụng tốt tại Nga cho Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đây là những công nghệ hết sức hữu ích cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Điển hình như công nghệ cầm máu vết thương, vết mổ chỉ trong khoảng 10- 30 giây sẽ giúp xử lý vết thương tại chỗ, hỗ trợ hiệu quả công tác điều trị, khám chữa bệnh. Bộ Y tế Việt Nam luôn khuyến khích, ủng hộ việc phát triển, đưa vào ứng dụng những công nghệ mới của thế giới, giúp nâng cao hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhân dịp này, Tổng Giám đốc AIC cũng đề nghị, thời gian tới các nhà khoa học tiếp tục hợp tác, phối hợp nghiên cứu, đồng thời kêu gọi các viện công nghệ lớn, đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia giỏi của Nga chuyển giao thêm nhiều công nghệ tiên tiến cho Việt Nam.
PV