Kiệu hương ở đây được nhiều người biết đến khi được trồng trên các triền đồi có độ dốc, củ to, mùi thơm nồng. Cây kiệu được nông dân ở đây trồng quanh năm, chia làm 2 vụ, nhưng vụ Đông Xuân là chính. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ củ kiệu trong dịp Tết Nguyên đán từ tháng 8 Âm lịch bà con đã xuống giống sản xuất. Sau khoảng 4 tháng là có thể thu hoạch bán Tết. Đây cũng là nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình nơi đây vào cuối năm.
Kiệu hương được trồng trên các triền đồi có độ dốc, có mùi thơm nồng. Ông Đoàn Ngọc Cẩm – Trưởng thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn) cho biết, nghề trồng củ kiệu ở địa phương có từ nhiều đời trước. Hiện nay có hơn 20 hộ trồng kiệu, đây cũng là cây trồng giúp thoát nghèo và tạo thêm nguồn thu dịp Tết.
Ông Nguyễn Tấn Phát - Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cũng thông tin nghề trồng kiệu hương là nghề cha truyền con nối, gắn bó với nhiều đời của nông dân ở Hòa Nhơn từ hàng trăm năm nay. Ông Phát cho biết thêm, để đưa sản phẩm kiệu hương thành sản phẩm OCOP, địa phương đã mở rộng diện tích trồng. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn phát triển sản xuất, địa phương hỗ trợ bà con về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, phân công cán bộ theo dõi, bám sát mô hình ngay từ lúc triển khai; hỗ trợ tập huấn sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm được làm từ kiệu hương, nhất là tập huấn, triển khai sản xuất kiệu hương đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP.
Phối hợp với các đơn vị hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, mã Qrcode, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Hỗ trợ các máy móc, thiết bị phục vụ cho sơ chế, chế biến kiệu hương: Máy sấy, máy đóng hộp, máy khò nhãn, bao bì, nhãn mác… Xúc tiến hỗ trợ xây dựng, cấp chứng nhận GlobalGAP cho cơ sở chế biến kiệu hương.
Khê An