Cuộc đua lãi suất huy động đang có chiều hướng nóng hơn trong những ngày cuối năm 2018 đầu năm 2019.
Lãi suất huy động tiếp tục tăng
Hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng đều được các nhà băng đẩy kịch trần là 5,5%/năm, trong khi lãi suất huy động các kỳ hạn dài hơn, vốn không bị NHNN khống chế, đang chứng kiến sự đua tranh quyết liệt để thu hút khách hàng. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đã được đẩy lên cao nhất tới 8,2%/năm, 9 tháng cao nhất là 8,3%/năm, 12 tháng là 8,55%/năm, trên 24 tháng là 8,6%/năm.
Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Trí Hiếu- chuyên gia ngân hàng, việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng trong giai đoạn này cũng là điều bình thường. Bởi thời điểm cuối năm thường là mùa cao điểm thanh khoản của các ngân hàng khi vừa phải lo vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng, vừa phải chuẩn bị lượng tiền mặt lớn để phục vụ người dân và doanh nghiệp rút ra chi tiêu trong dịp Tết.
TS. Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng: “Lãi suất năm 2019 sẽ ở mức cao như cuối 2018. Trường hợp lãi suất được kiềm giữ là một thành công của điều hành chính sách tiền tệ”.
Thêm vào đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã được giảm xuống còn 40% kể từ đầu năm 2019 nên các ngân hàng lại càng phải đôn đáo huy động vốn để đáp ứng yêu cầu này. Ngoài ra, áp lực tỷ giá cũng buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất để “giữ chân” tiền đồng.
Mặc dù việc các ngân hàng tăng lãi suất mang lại thêm nhiều lợi ích cho người gửi tiền, song đó lại là nỗi lo lớn của các doanh nghiệp đang phải vay tiền ngân hàng. Trên thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay năm 2018 cũng đã tăng nhẹ so với năm trước. Số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) cho thấy, lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25% năm 2018; lãi suất cho vay bình quân năm 2018 cũng tăng lên khoảng 8,91% so với mức 8,86% của năm 2017.
Sức ép tăng lãi suất
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tình trạng tăng lãi suất huy động có thể sẽ kéo dài đến thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Sau Tết khi tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, lãi suất sẽ tạm ổn định. Nhận định trên không phải là không có cơ sở khi mà thông lệ nhiều năm trước đây, dòng tiền thường chảy mạnh vào ngân hàng sau Tết Nguyên đán, từ đó kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động.
Nhìn xa hơn, không ít chuyên gia cho rằng, sức ép lên lãi suất năm nay sẽ không lớn như năm 2018. Sở dĩ như vậy là bởi sức ép lạm phát đang có xu hướng dịu bớt do giá dầu thế giới giảm. Bên cạnh đó, không ít tổ chức quốc tế dự báo USD sẽ quay đầu giảm trở lại do FED giảm tốc độ tăng lãi suất cộng thêm kinh tế Mỹ cũng đang có xu hướng chậm lại, qua đó cũng làm vơi bớt sức ép đến tỷ giá và lãi suất trong nước.
Trong khi đó, NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạn chế tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 14-15%. Có nghĩa các nhà băng sẽ không còn động lực để chạy đua huy động vốn cho tăng trưởng tín dụng, thậm chí không ít nhà băng còn phải lo giảm bớt tổng tài sản để đáp ứng chuẩn Basel II nếu không tăng được vốn. Tất cả những điều đó cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất.
Thế nhưng, luồng ý kiến thận trọng hơn lại cho rằng, sức ép lên mặt bằng lãi suất năm 2019 vẫn còn rất lớn. Với lạm phát, mặc dù giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm, song có thể đảo chiều tăng nhanh trở lại khi OPEC và các nhà xuất khẩu dầu lớn đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày. Trong khi ở trong nước, giá nhiều hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý có thể được điều chỉnh tăng trong năm 2019.
Với tỷ giá, mặc dù FED có thể giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ, nhưng nhiều khả năng lãi suất tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019 và đó là nền tảng vững chắc hỗ trợ cho đồng USD. Nhiều NHTW lớn khác trên thế giới như NHTW châu Âu, NHTW Anh… cũng được dự báo có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản. Trong khi đồng nhân dân tệ (CNY) nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục giảm khi mà NHTW Trung Quốc tiếp tục nới lỏng thêm tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc đồng USD tăng giá, trong khi CNY giảm giá sẽ tạo sức ép lớn đến tỷ giá và lãi suất trong nước.
TS. Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN cũng cho rằng: “Lãi suất năm 2019 nhiều khả năng sẽ ở mức cao như cuối năm 2018. Trường hợp lãi suất được kiềm giữ là một thành công của công tác điều hành chính sách tiền tệ. Thực tế, khó có thể hạ lãi suất trong bối cảnh hiện nay, ngay cả khi kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%”.