Khi quả vải "biết bay"

23:55 17/06/2021

Thay thế hình ảnh những sạp vải lăn lóc, héo hon trên vỉa hè trước đây. Bây giờ vải thiều Việt được đóng gói trong hộp vải đẹp sang chảnh như tổ yến, thậm chí "quả vải biết bay” ra tầm quốc tế. Những quả vải tươi ngon, căng mọng trên các sàn giao dịch điện tử đang dần quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nghệ sĩ Xuân Bắc cũng góp sức livestream bán vải chốt đơn hàng tấn. Cũng chưa bao giờ quả vải Việt được lên máy bay, lên sàn, ra quốc tế và được bảo hộ như thế.

Cả thị trường trong nước và quốc tế chứng kiến 1 cuộc thay đổi ngoạn mục về cung cách bán hàng theo kịp thời 4.0 của vải thiều Việt nói chung và vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) nói riêng dù tình hình dịch bệnh Covid-19.

Nông dân trồng vải từ chối 2 chữ... giải cứu, họ đang bán sản phẩm từ thành quả lao động của chính mình, chứ không đi xin từ thiện.

Ảnh minh họa

Việt Nam nổi danh với 3 vùng vải thiều: Lục Ngạn, Thanh Hà, Bát Trang. Ở tại các vùng này trái vải có độ thơm, ngọt, dày cùi hơn hẳn vải được trồng ở những vùng khác do điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt.

Điều đáng mừng là hiện tại Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu quả vải. Đặc tính thơm, ngon, mát của vải thiều miền nhiệt đới như Việt Nam không phải ở đâu cũng có được. Vì lợi thế này nên trái vải Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường quốc tế khó tính. “Quả vải biết bay” hoặc “vải đi siêu máy bay” đã tới nhiều được nhiều vùng quốc giá xa xôi khác nhau.

Những tín hiệu cực vui cho thấy quả vải Việt đã được nâng lên tầm cao mới. Tại Pháp, vải thiều Việt Nam bán hơn 500.000 đồng/kg vẫn vô cùng đắt khách. Nhiều người dân Việt xa tổ quốc mua được vải Việt mà mừng như gặp lại cả quê hương.

Nông sản Việt được cho là có nhiều thế mạnh cạnh tranh và EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của nông sản Việt Nam, với nền tảng sẵn cùng việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong Hiệp định EVFTA sẽ "tiếp sức" tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia.

Vải thiều "ngồi" siêu máy bay...

... đóng hộp sang chảnh.

Dù hành trình để quả vải sang được tay người tiêu dùng châu Âu không hề đơn giản với những tiêu chuẩn trồng trọt, chăm sóc, bảo quản và đóng gói ngặt nghèo.

Trước đây hàng nông sản của Việt Nam dù được cho là sản phẩm tiềm năng, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới như vải, thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi… nhưng mới chỉ có trái cây của Thái Lan và Malaysia xuất qua các nước châu Âu. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội với chúng ta bởi thị trường EU luôn muốn trải nghiệm những sản phẩm đến từ Việt Nam, đặc sản của vùng hạ lưu sông Mekong.

Gần đây việc Pacific Foods xuất khẩu thành công lô vải thiều từ 2 vùng nguyên liệu nổi tiếng là Thanh Hà của Hải Dương và Lục Ngạn tại Bắc Giang theo tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP… vào EU. Một lần nữa khách hàng thế giới ưa chuộng vải thiều Việt đã được chứng minh. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã ngày càng nâng cao năng lực đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe của các thị trường trên thế giới.

Không chỉ thị trường Châu Âu, ở Châu Á vải thiều Bắc Giang năm thứ 2 xuất khẩu sang Nhật Bản. Vải thiều Việt Nam cũng được cho là chất lượng vượt trội, ngon nhất ở thị trường Nhật Bản. Tại đảo quốc Sư tử Singapore vải thiều Việt cũng cập bến và lên kệ các siêu thị lớn. Một người dân ở đây đã vô cùng vui sướng khi mua được vải thiều Việt trên đất khách vì nông sản có chất lượng của Việt Nam cũng đã được bạn bè quốc tế biết tới và công nhận.

Thương mại điện tử đã và đang phổ biến tại Việt Nam và nhiều quốc gia, phương thức này tiện ích, thể hiện sự vượt trội khi đại dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn cầu.

Từ ngày 6/6, cả 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm: Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada đã đồng loạt mở bán chính thức sản phẩm vải thiều Bắc Giang.

Vải thiều bán trên nền tảng công nghệ mới.

Sau khi khách chốt đơn trên sàn, nông dân Bắc Giang mới thu hoạch vải, đóng thùng xốp, giữ lạnh đúng quy cách, dán tem truy xuất nguồn gốc và vận chuyển nhanh bằng mọi hình thức (xe lạnh, máy bay) về các địa phương. Các đơn hàng sẽ tới tay người tiêu dùng trong vòng 2-3 ngày…

Để đưa trái vải đến khắp ba miền và đảm bảo những điều kiện phòng dịch tốt nhất, năm nay là năm đầu tiên hệ thống siêu thị GO! và Big C cũng tổ chức kích cầu tiêu thụ trái vải trên nền tảng thương mại điện tử. Nhờ đó, dù chỉ mới bước vào chính vụ vải thiều ít ngày, hàng trăm tấn vải đã được tiêu thụ. Đây là một tín hiệu tích cực cho vụ vải năm nay bất chấp những khó khăn do dịch COVID-19 mang lại.

Hiện tại bà con nông dân trồng vải ở Bắc Giang thậm chí còn được bán hàng theo phương thức mới: Người ta cũng livestream để bán vải online qua sàn thương mại điện tử. Kết quả thật bất ngờ, chỉ trong 40 phút bán theo hình thức này trên sàn Sendo, bà con nông dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã “chốt đơn” xong ngay 8 tấn vải thiều. Việc livestream bán vải từ bài bản đến người nông dân tự phát livestream tại vườn cũng được cho là 1 cách làm hay, hiệu quả trông thấy.

Cách làm của Bắc Giang hiện đang được đánh giá cao và người ta có quyền hy vọng sau vải thiều, các nông sản đặc trưng khác cũng biết cách áp dụng giải pháp tương tự để hiệu quả kinh doanh được nâng lên.

Chiến lược mang tên “Vải thiều Bắc Giang” được cho là 1 trong những thí dụ điển hình thành công về việc nâng tầm nông sản Việt. Hiện tại những cụm từ “vải thiều đi siêu máy bay,” hay “lần đầu tiên quả vải được bán cả ở 6 sàn thương mại điện tử", “vải thiều Bắc Giang được bảo hộ tại 8 thị trường lớn” đang rất được quan tâm.

Đó là những câu chuyện cực vui và đầy tự hào cho vải thiều nói riêng và nông sản Việt nói chung.

Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang - từng chạnh lòng với cụm từ “giải cứu vải thiều” trong khi chất lượng vải thiều Lục Ngạn thì tuyệt vời, người dân thì đổ nhiều mồ hôi công sức để có nó.

Ngày 2/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, đó là đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ "giải cứu" trong các tin, bài, phóng sự... khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng của tỉnh. Người Bắc Giang nói không với giải cứu vải thiều.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng đã từng đồng tình và khẳng định: "Nông dân làm ra hàng hóa nông sản từ củ hành, củ khoai đến quả vải chỉ mong muốn bán được sản phẩm, chứ không mong được xã hội mua bán theo kiểu làm từ thiện, thương cảm, bản thân nông dân khi nói được giải cứu cũng dễ tổn thương thêm. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận khác”.

Thực tế không dùng từ giải cứu không có nghĩa là lãnh đạo, nhân dân vùng vải không muốn mọi người mua bán vải. Điều họ muốn hướng tới là dù trong hoàn cảnh nào thì giá trị của nông sản phải được nâng niu và đặt đúng giá trị nông sản Việt vào vị trí của nó đáng được hưởng.

Như vậy, nhờ những sự thay đổi áp dụng cái mới đã làm cho quả vải thiều Việt Nam được nâng lên 1 tầm vị thế mới. Tiền lệ từ trước đến nay chưa bao giờ quả vải Việt được lên sàn, ra quốc tế và được bảo hộ 1 cách đàng hoàng đầy trân trọng nâng niu như thế.

Hy vọng sau vải thiều, những mặt hàng nông sản Việt đặc trưng khác tiếp tục tự đổi mới tìm lối ra thức thời và biết cách đặt đúng giá trị của mình vào vị trí xứng tầm.

Cây vải thiều tổ ở đâu?

Cách đây gần 200 năm tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương. Năm nào cây vải tổ cũng cho quả, nhiều khoảng hơn tạ, năm ít cũng một vài chục cân.

Quả của cây vải tổ vỏ đỏ hơn các cây khác, nhỏ nhưng cùi dày, bóc ráo nước.

Cách nhận biết vải thiều Việt vùng đặc sản:

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang): Mã đỏ, cùi dày, hạt nhỏ.

Vải thiều Bát Trang (Hải Phòng): quả vải vừa mọng, vừa thơm.

Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương): Kích thước bé nhất trong tất cả các giống vải, quả vải chỉ bằng ngón chân cái, quả tròn và không đều quả bằng vải lai. Vải mọng, thơm, ngọt mát… Khi bóc vỏ, vải thiều Thanh Hà không có nước dính tay, bên trong là một lớp cùi dày, giòn, trắng trong...

Mua vải thiều ở đâu?

Năm nay ngoài mua vải từ chợ, siêu thị, người Việt có thể mua vải trên nền tảng công nghệ mới. Cả 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm: Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada đã đồng loạt mở bán chính thức sản phẩm vải thiều Bắc Giang.

Tổ Quốc