iPhone 16 vẫn lỡ hẹn tại thị trường Indonesia do Apple chưa hoàn tất thỏa thuận tỷ USD với nước này. |
Theo Jakarta Post, chính phủ Indonesia thời gian qua "gửi nhiều thư mời" đại diện Apple đến gặp trực tiếp để đàm phán về khoản đầu tư một tỷ USD xây dựng cơ sở sản xuất tại địa phương. Đây được xem là bước cuối cùng để công ty Mỹ được bán iPhone 16 trở lại.
Trước đó, Apple chỉ định đại diện đàm phán là ông Nick Ackman. Tuy nhiên, người này vẫn chưa đến Indonesia tham gia bất kỳ cuộc họp nào.
Sự việc khiến các quan chức Indonesia thất vọng về khả năng triển khai thực tế các dự án đã được Apple cam kết.
"Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia mời họ nhiều lần, nhưng họ chưa xuất hiện. Những gì chúng tôi nhận được là một số phản hồi qua WhatsApp", người phát ngôn Bộ Công nghiệp Indonesia Febri Hendri Antoni Arif nói.
Ông Arif cho biết Bộ Công nghiệp Indonesia đã nhận được đề xuất từ phía Apple và chuyển đến Bộ Đầu tư Indonesia. Tuy nhiên, việc chưa đàm phán trực tiếp giữa hai bên đã làm đình trệ tiến độ.
Trước đó vào đầu tháng 12/2024, Bộ trưởng Đầu tư và Hạ nguồn Indonesia thông báo, Apple đã thực hiện bước đi chiến lược lớn với cam kết đầu tư 1 tỷ USD (khoảng hơn 25 nghìn tỷ đồng) vào Indonesia.
Hôm 19/12 vừa qua, Tổng thống Prabowo Subianto cũng đã phê duyệt đề xuất mở rộng đầu tư của hãng công nghệ khổng lồ. Theo kế hoạch đệ trình, Apple sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị trên đảo Batam và một nhà máy ở Bandung, kế hoạch cũng bao gồm đầu tư cho các học viện nghiên cứu và phát triển của Apple ở Indonesia.
Cam kết của Apple là một phần trong nỗ lực nhằm dỡ bỏ, lệnh cấm bán iPhone 16 trên toàn quốc, của chính phủ Indonesia. Lệnh cấm được áp dụng từ tháng 11, sau khi các cơ quan chức năng Indonesia phát hiện Apple không tuân thủ quy định tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm, tối thiểu 35% đối với điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Indonesia có thành tích lâu dài trong việc ra những chính sách cứng rắn với các công ty để tìm kiếm thêm khoản đầu tư và bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Chính phủ đã buộc TikTok của ByteDance phải tách tính năng mua sắm khỏi nền tảng truyền thông xã hội của mình nhằm bảo vệ ngành bán lẻ khỏi hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất. Chính phủ cũng cấm xuất khẩu nguyên liệu thô như niken để thúc đẩy các công ty chế biến khoáng sản trên bờ và phát triển các nhà máy sản xuất pin tại địa phương.
Việc thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ diễn ra khi Tổng thống mới nhậm chức Prabowo Subianto đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế 8% trong nhiệm kỳ năm năm của mình.
Indonesia là thị trường tăng trưởng tiềm năng cho Apple với dân số trẻ và ngày càng am hiểu công nghệ. Theo dữ liệu của chính phủ, nền kinh tế trị giá 1 nghìn tỷ USD này có hơn 350 triệu điện thoại di động đang hoạt động, vượt xa số dân 270 triệu người của quốc gia này.
Hiện nay, Apple không có cơ sở sản xuất nào tại Indonesia, nhưng đã thành lập các học viện phát triển ứng dụng từ năm 2018. Indonesia coi chiến lược đó là một nỗ lực nhằm đáp ứng yêu cầu về linh kiện địa phương để bán các mẫu iPhone cũ hơn.
Các công ty thường tăng thành phần địa phương thông qua quan hệ đối tác hoặc bằng cách tìm nguồn cung ứng linh kiện trong nước.