Theo như mô tả chào hàng của IBM thì đây chính là hệ thống điện toán lượng tử hoàn chỉnh tích hợp đầu tiên trên thế giới (world’s first fully integrated universal quantum computing system). Thay vì tìm cách bán Q System One ngay, IBM đang lên kế hoạch kết nối nó với internet, cho phép các kỹ sư, nhà khoa học và giới nghiên cứu có thể khai thác sức mạnh từ xa. Tuy vậy, đây vẫn chưa phải là máy tính lượng tử mạnh nhất, khi ngay chính IBM cũng từng xây dựng một hệ thống có năng lực tính toán lên tới 50 qubit (tức mạnh hơn nhiều) vào năm 2017.
Thông báo chung cho biết: "Với 27 qubit, đây hiện là hệ thống mạnh nhất trên khắp châu Âu". Trong tính toán lượng tử, một qubit hoặc là bit lượng tử là đơn vị cơ bản của thông tin lượng tử - phiên bản lượng tử của hệ nhị phân cổ điển bit.
Phát biểu trong video trực tuyến chào mừng buổi ra mắt, Thủ tướng Đức bà Angela Merkel gọi cỗ máy này là ‘kỳ quan công nghệ’ và bà tin tưởng nó có thể “đóng vai trò quan trọng cho công nghệ và chủ quyền số cũng như phát triển kinh tế số”.
Trước đó, chính phủ Đức đã thông báo đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD vào nghiên cứu công nghệ lượng tử đến năm 2025. Viện Fraunhofer cũng sẽ làm việc với các công ty Đức để sử dụng máy tính lượng tử trong việc hiểu sâu về tính toán lượng tử và cho các thử nghiệm khác.
Tổ chức nghiên cứu Fraunhofer-Gesellschaft sẽ vận hành máy tính lượng tử nói trên, được cài đặt tại một trung tâm gần thành phố Stuttgart. Thông báo cho biết, toàn bộ dữ liệu người dùng và công trình đang được xử lý sẽ đặt ở Đức và chịu sự điều chỉnh của luật bảo vệ dữ liệu của nước này.
Ông Reimund Neugebauer, Chủ tịch của Fraunhofer-Gesellschaft, cho biết, hiện có sự quan tâm rất lớn đối với việc đưa tính toán lượng tử vào ứng dụng như một công nghệ chủ chốt trong tương lai để đảm bảo khả năng cạnh tranh và chủ quyền công nghệ.
PV(TH)