Huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

01:44 04/04/2021

Mỗi khi tới mùa thu hoạch, những đoàn xe ô tô tải của các doanh nghiệp nối đuôi nhau dừng ngay tại bờ ruộng để thu mua, bốc xếp hàng, vận chuyển đến các nhà máy chế biến nông sản. Gần 7 năm nay, cánh đồng chuyên trồng rau màu có quy mô gần 100 ha của xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc luân canh các loại nông sản phục vụ thị trường.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, những năm qua, huyện Vĩnh Lộc đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, như: Hỗ trợ diện tích nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, huyện đã và đang rà soát, điều chỉnh các vùng sản xuất để tích hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch chung của tỉnh, triển khai thực hiện có hiệu quả tích tụ, tập trung đất đai; lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế và phương thức sản xuất phù hợp; kêu gọi doanh nghiệp, HTX hoặc hộ nông dân có khả năng đầu tư để thực hiện, nhân rộng các mô hình. Xây dựng các tổ hợp liên kết sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, các cơ sở cung cấp dịch vụ nghiên cứu, đào tạo, tư vấn phát triển sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX thực hiện tích tụ, tập trung đất đai. Định hướng cho các xã, thị trấn hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây trồng.

Điểm nổi bật là, việc xây dựng vùng sản xuất tập trung được huyện gắn với thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Bởi vậy, sản xuất nông nghiệp của huyện không những được phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn mà còn có tính bền vững cao. Theo đó, huyện không những hình thành được 12 vùng sản xuất tập trung, với các sản phẩm chủ lực, như: Vùng lúa năng suất, chất lượng cao, vùng sản xuất chuối tiêu hồng, vùng trồng cây ăn quả có múi, vùng sản xuất mía, vùng sản xuất rau an toàn tập trung...; mà còn thu hút nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia bao tiêu sản phẩm.

Hiện, diện tích cây trồng được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm của toàn huyện đạt khoảng 3.000 ha mỗi năm, trong đó diện tích được liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm ổn định với các doanh nghiệp đạt 611 ha. Xác định khoa học - kỹ thuật là khâu then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, những năm gần đây, huyện đã và đang đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn. Các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu với sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh được đưa vào sản xuất thay thế dần các giống cũ. Cùng với đó, tích cực ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước trong sản xuất; đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, huyện đã xây dựng nhiều cánh đồng một loại giống mang lại hiệu quả kinh tế tại 15 xã, với diện tích gần 600 ha, năng suất bình quân hàng năm đạt 61,5 tạ/ha, cao hơn so với bình quân là 1,5 tạ/ha.

Để tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện Vĩnh Lộc đang triển khai xây dựng các đề án phát triển nông nghiệp theo từng nội dung, nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, sẽ tập trung triển khai các nội dung về tích tụ, tập trung đất đai, từ đó hình thành, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Trung Hiếu