Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, trên địa bàn huyện, thời gian gần đây, đã dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và nhiều mô hình sản xuất theo quy trình VietGap cho năng suất, hiệu quả cao. Một số sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu đặc sản, như: Nếp cái hoa vàng ở các xã phía Đông; Vùng sản xuất rau an toàn, một số mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hàng hóa chất lượng cao; Đậu làng Chài Võng La; Làng nghề quất cảnh Tám Xá, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Trám, Mít bản địa tại Cổ Loa... Đối với lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục được duy trì phát triển, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung với trên 200 mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019, bệnh dịch tả lợn Châu phi đã làm ảnh hưởng đến 45% tổng số hộ, cơ chân nuôi, giảm 58% tổng số lợn trên địa bàn, làm ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi, người tiêu dùng và ảnh hưởng chung đến giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện. Huyện đã chi 162,4 tỷ đồng cho công tác phòng chống, dập dịch và chi hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy.
Huyện Đông Anh đã xây dựng được vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao (Ảnh minh họa).
“Bằng nhiều giải pháp thiết thực, như hỗ trợ kinh phí mua giống cây trồng, vật nuôi, thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, vật nuôi; hỗ trợ đưa cơ giới hóa ứng dụng vào nông nghiệp đã thu được nhiều kết quả quan trọng, nâng cao giá trị/ha canh tác. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt bình quân 2.071 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm gần đây đạt 0,6%, giảm 1,4% so với chỉ tiêu. Nguyên nhân giảm do nhiều diện tích đất nông nghiệp thu hồi GPMB phục vụ các dự án phát triển đô thị, kinh tế xã hội, ngành chăn nuôi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh” – ông Nguyễn Văn Thiềng cho hay. Tuy chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp không đạt, nhưng với việc đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao, giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác của huyện đạt 267 triệu đồng/ha/năm, vượt 117 triệu đồng so với mục tiêu bình quân của giai đoạn 2015 – 2020.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp, huyện Đông Anh đã đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD) nông nghiệp cho người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện đã hoàn thành cấp 10.731/10.731 GCNQSD đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa đạt 100% số GCN cần cấp; cấp 63.770/64.094 GCN cho những thửa đất đủ điều kiện, đạt 99,49%, cấp xong 13.530 Giấy xác nhận Đăng ký đất đai từ năm 2016 đối với toàn bộ các thửa đất không đủ điều kiện cấp GCN; đã cho thuê và tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp đạt 251,81ha, tổ chức gần 100 phiên đấu giá quyền sử dụng đất thu về ngân sách 6.123 tỷ đồng.
Trung Hiếu