Hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp vùng Pays de la Loire nước Pháp

19:30 15/05/2023

Các doanh nghiệp vùng Pays de la Loire đặc biệt quan tâm đến hợp tác nông nghiệp hiện đại, sản xuất cơ khí trong lĩnh vực hàng không dân dụng, đóng tàu và dược phẩm do đây là các thế mạnh của vùng và cũng đáp ứng được các nhu cầu của phía Việt Nam.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Vùng Pays de la Loire, với thủ phủ là thành phố Nantes, là một trong những vùng kinh tế có tốc độ phát triển cao nhất tại Pháp trong vài năm qua. Điều kiện địa lý thuận lợi, cùng các yếu tố lịch sử văn hoá đặc sắc cũng giúp vùng Pays de la Loire có được các thế mạnh kinh tế rất đa dạng, từ nông nghiệp hiện đại, đóng tàu, cho đến các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Tại Phòng Thương mại-Công nghiệp (CCI) Nantes – Saint Nazaire đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với gần 20 doanh nghiệp Việt Nam và Pháp trong vùng, đoàn Việt nam đã cung cấp rất nhiều thông tin về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào Việt Nam cùng các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh cũng như mong muốn đẩy mạnh hợp tác với phía Pháp. Các doanh nghiệp vùng Pays de la Loire đặc biệt quan tâm đến hợp tác nông nghiệp hiện đại, sản xuất cơ khí trong lĩnh vực hàng không dân dụng, đóng tàu và dược phẩm do đây là các thế mạnh của vùng và cũng đáp ứng được các nhu cầu của phía Việt Nam.          

Các cơ quan xúc tiến đầu tư-thương mại của Pháp có chung nhận định Việt Nam có nhiều thế mạnh trong thu hút các vốn đầu tư nước ngoài, như tình hình chính trị-an ninh ổn định, vị trí địa lý thuận lợi với nguồn nhân lực dồi dào và năng động, các cơ chế minh bạch phù hợp với chuẩn mực quốc tế, chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế rõ ràng và có chiến lược. Các doanh nghiệp nước ngoài khi tới đầu tư tại Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm hoạt động lâu dài và tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.

Ông Renaud Josse, Chủ tịch tập đoàn CMF cho biết, tập đoàn CMF đặc biệt chú trọng đến thị trường Đông Nam Á và Việt Nam bởi đây là nơi có nền nông nghiệp truyền thống lâu đời, đồng thời cũng có dư địa phát triển rất lớn bởi dân số đông, nhu cầu thực phẩm chất lượng cao của người dân ngày càng tăng.

Tại Việt Nam, tập đoàn CMF đã hiện diện từ nhiều năm qua, với các dự án được triển khai tại Đà Lạt và Nha Trang, đáp ứng được nhiều thách thức về công nghệ cũng như điều kiện thời tiết.

 “Việt Nam là một quốc gia có nền nông nghiệp rất mạnh và lâu đời, và đương nhiên cũng phải đối diện với nhiều thách thức về phát triển một nền nông nghiệp hiện đại hơn trong tương lai. Về các dự án đã triển khai ở Việt Nam, đây là các dự án rất hiệu quả. Chúng tôi cung cấp các giải pháp công nghệ, các phương pháp sản xuất mới, công nghệ nhà kính mới nhằm đáp ứng các thách thức mà phía Việt Nam phải giải quyết”, ông nói.

Ông Fabrice Lelouvier, phụ trách hợp tác quốc tế và hỗ trợ xuất khẩu của Phòng Thương mại và công nghiệp vùng Pays de la Loire, trong vòng 3 năm qua, các doanh nghiệp trong vùng đã thực hiện hai chuyến khảo sát tại Đông Nam Á và Việt Nam do coi đây là các thị trường rất quan trọng trong tương lai.

Ông Lelouvier nhận định, kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh và các nhu cầu cũng sẽ tăng cao cả về lượng và chất, do đó tiềm năng hợp tác của vùng với Việt Nam là rất lớn, đặc biệt khi vùng Pays de la Loire có thế mạnh trải đều trên mọi lĩnh vực.

“Các trao đổi kinh tế giữa Việt Nam với vùng Pays de la Loire hiện tương đối lớn mạnh nhưng các doanh nghiệp của chúng tôi còn có khả năng đi xa hơn rất nhiều trên thị trường Việt Nam bởi trong đánh giá của chúng tôi thì Việt Nam là thị trường rất quan trọng. Vùng Pays de la Loire có một điểm đặc biệt, đó là chúng tôi sản xuất hầu như tất cả mọi sản phẩm. Thương mại quốc tế của chúng tôi hết sức phong phú và đa dạng", ông cho biết.

Pháp là đối tác thương mại châu Âu thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Hà Lan, Anh và I-ta-li-a). Thương mại song phương giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn gấp ba lần từ khoảng 1,6 tỷ USD năm 2009 lên 5,3 tỷ USD năm 2019. Đạt 4,8 tỷ USD năm 2021, giảm nhẹ so với mức 4,81 tỷ USD năm 2020 và 5,33 tỷ USD năm 2022.

Đến tháng 3/2023, Pháp đứng thứ 2 trong số các nước thành viên EU và thứ 16/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 673 dự án, tổng vốn hơn 3,8 tỷ USD. Nhiều công ty Pháp lựa chọn đầu tư vào Việt Nam không chỉ bởi thị trường đầy tiềm năng mà còn bởi đây là địa điểm thuận lợi để phát triển kinh doanh trong khu vực ASEAN.

PV/ Tổng hợp