Hoạt động cho vay của ngành ngân hàng vẫn duy trì xu hướng tăng

10:39 20/09/2021

Đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành so với đầu năm đạt 7,4%, tương ứng mức tăng hơn 680.000 tỉ đồng tính theo số tuyệt đối. Đây là mức được đánh giá là khá tích cực khi đặt trong bối cảnh kinh tế trì trệ hiện nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đặc biệt, dù chính sách giãn cách xã hội chặt chẽ theo Chỉ thị 16 được triển khai tại 19 tỉnh thành phía Nam, khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất, kinh doanh hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, cũng như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các vùng khác, nhưng tín dụng tính riêng trong tháng 7 và tháng 8 vẫn đạt mức tăng trưởng tương ứng là 1,13% và 0,69% so với tháng trước đó.

Nếu nhìn lại bức tranh tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm (tính đến ngày 21-6 chỉ mới đạt 5,47%, đến cuối tháng 7 đạt 6,66%), thì có thể thấy hoạt động cho vay vẫn đang duy trì xu hướng đi lên ổn định.

Nếu so với mức tăng trưởng 4,7% của cùng kỳ tám tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng tám tháng đầu năm nay gấp hơn 1,55 lần tính theo tỷ lệ phần trăm, còn nếu tính theo số tuyệt đối thì gấp đến 1,75 lần.

Dù không loại trừ khả năng hoạt động cơ cấu nợ theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17-5-2021 có thể đã tác động đến mức tăng trưởng tín dụng trên, do các khách hàng khi được tái cơ cấu nợ có thể yêu cầu nhập lãi vào gốc của khoản vay mới, nhưng sự đóng góp từ nợ tái cơ cấu mới vào tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung có lẽ chỉ dừng lại ở một mức tương đối, còn chủ yếu vẫn là các hoạt động cho vay mới ra nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng tháng 8 có chậm lại và dự kiến tháng 9 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, tuy nhiên NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và hai tháng cuối năm nay.

Theo chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – ông Nguyễn Tuấn Anh, dòng vốn cho vay ra thời gian qua vẫn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ một số ngành thiết yếu như lúa gạo và các khu vực quan trọng như đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng có một điểm đáng lưu ý là hoạt động đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các ngân hàng cũng có thể đẩy tăng trưởng tín dụng, do theo quy định thì việc ngân hàng mua TPDN vẫn phải tính vào tăng trưởng tín dụng tổng thể. Theo dữ liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tám tháng đầu năm 2021, có 490 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 308.517 tỉ đồng, trong đó có 476 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 296.933 tỉ đồng.

Nếu loại trừ lượng trái phiếu của chính các ngân hàng phát hành là 116.100 tỉ đồng, có thể thấy lượng trái phiếu còn lại do các doanh nghiệp phát hành khá lớn. Các ngân hàng cùng các công ty chứng khoán có thể vẫn đang tiếp tục ôm một lượng lớn trái phiếu do doanh nghiệp phát hành để phân phối lại dần cho nhà đầu tư cá nhân.

PV