Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp và người lao động luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh Lào Cai.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Long- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai bộc bạch: Với các doanh nghiệp, vấn đề lợi nhuận trong kinh doanh rất quan trọng. Tuy nhiên, không vì thế mà các doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, bất chấp các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, ngoài nhiệm vụ tập hợp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, để các doanh nghiệp này có thêm kinh nghiệm, kỹ năng trong giao tiếp, ký kết hợp đồng, nhất là quan hệ hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo ông Long, Lào Cai có tiềm năng, lợi thế là thương mại cửa khẩu. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trong sản xuất- kinh doanh, hội nhập quốc tế của những doanh nghiệp thành đạt thông qua các chương trình trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... Lào Cai có cửa khẩu quốc tế, với thị trường giao thương tiềm năng là tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thậm trí nhiều doanh nghiệp còn kết nối với các doanh nghiệp tại các tỉnh thành nằm sâu trong nội địa Trung Quốc. Trước đây, nhiều doanh nghiệp của Lào Cai còn nhập khẩu ô tô hay nhiều mặt hàng từ Bắc Kinh, Hồ Bắc, Trùng Khánh... Liên quan đến lĩnh vực kinh doanh nông, lâm sản, Hiệp hội đã cập nhật thông tin, chia sẻ với các doanh nghiệp hoạt động tại Lào Cai và Trung Quốc giúp doanh nghiệp 2 nước phối hợp kinh doanh đúng pháp luật.
“Thời gian qua, có các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam mua mặt hàng đường và gạo, các doanh nghiệp Việt Nam xuất hóa đơn theo đúng quy định thì không vấn đề gì, tuy nhiên nếu doanh nghiệp Việt Nam không hiểu biết, xuất các mặt hàng trên sang nước bạn thì sẽ vi phạm pháp luật, do Trung Quốc bảo hộ một số mặt hàng. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác làm ăn với đối tác cần có kiến thức, hiểu biết về cơ chế chính sách và những quy định của nước bạn. Với các doanh nghiệp kinh doanh ở khu vực biên giới tham gia thương mại dịch vụ cũng cần hiểu sâu hơn nữa, đặc biệt là vấn đề hàng nhái, hàng giả một số sản phẩm có thương hiệu lớn, bởi bên nước bạn có những nhà máy chế biến, gia công những mặt hàng tương tự, do đó nếu doanh nghiệp Việt Nam nhập hàng về bán, vô tình thành tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả. Tại Lào Cai, nhờ được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật thường xuyên nên không có doanh nghiệp nào vi phạm. Hiệp hội cũng thường xuyên tuyên truyền cho các doanh nghiệp về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; còn với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch, các doanh nghiệp cần làm tốt công tác thương mại qua biên giới”, ông Long chia sẻ...
Cũng theo ông Long, trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên trong Khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Lào Cai được các Ban ngành trung ương, Tỉnh ủy và Đảng bộ khối cơ quan doanh nghiệp tỉnh ghi nhận và đánh giá rất cao. Từ mô hình Đề án 07 phát triển đảng viên trong khu vực tư nhân, năm 2016 Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai đã thành lập Chi bộ với 6 đảng viên, đến nay Chi bộ Hiệp hội đã phát triển được 40 đảng viên. Khi lãnh đạo các doanh nghiệp là đảng viên sẽ chú trọng công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp của mình, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức về chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất- kinh doanh đúng pháp luật và có hiệu quả.
Trí Kiên