Nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng trên 3%

16:00 14/11/2023

Tính đến 30/9, tổng nợ xấu tại 28 ngân hàng thương mại là khoảng 210.000 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vượt ngưỡng 3% như VPBank, VietBank, OCB, BVBank...

Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của 28 ngân hàng thương mại, tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến 30/9 đạt gần 9,34 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm.

Xét về nợ xấu, tính đến 30/9, tổng nợ xấu tại 28 ngân hàng thương mại là gần 210.238 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Về cơ cấu nợ xấu, tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ (nhóm 4) với tỷ lệ 119%, kế đến là nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 69% và nợ có khả năng mất vốn tăng thấp nhất với 12%.

Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tại một số ngân hàng tăng theo cấp số nhân như Bắc Á Bank (tăng 3,8 lần), Eximbank (tăng 3,2 lần)… Có 9/28 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vượt ngưỡng 3%, bao gồm: VPBank (5,74%), VietBank (4,06%), OCB (3,74%), BVBank (3,56%), SHB (3,21%), TPBank (3%)...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu từ WiChart (doanh nghiệp về thông tin tài chính), tổng số dư nợ xấu nội bảng tính đến cuối quý III của nhóm ngành ngân hàng là gần 210.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối quý liền trước và 52,7% so với cuối năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tiếp tục tăng lên mức 2,25%, tăng 0,64 điểm % so với cuối năm ngoái. Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đã có sự cải thiện so với hai quý liền trước, tuy nhiên vẫn tăng tới 38,2% nếu so với thời điểm cuối năm 2022.

Riêng với tín dụng bất động sản, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 21,86%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là nợ xấu của tín dụng bất động sản tính đến tháng 9/2023 là 2,89%, tăng mạnh so với mức 1,72% thời điểm cuối năm 2022.

Bà Hà Thu Giang cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Trong khi đó, một số ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 2 con số như: VPBank (+19%), MSB (+17,1%), MB (+16,44%), BaoVietBank (+16,4%), Techcombank (+12,6%)… Một số ngân hàng có mức tăng trưởng thấp hơn như: ABBank (+4%), Eximbank (+4,2%), Saigonbank (+4,3%)...

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, thời gian vừa qua, diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều điểm bất lợi, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, doanh nghiệp. Những khó khăn đó đã làm gia tăng nợ xấu, gây áp lực trong việc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu cũng như tiến độ xử lý tài sản bảo đảm tại các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Theo ông Thịnh, nợ xấu hiện đang gia tăng nhanh chóng và đạt đến ngưỡng đáng lo ngại. Đặc biệt, nợ xấu của ngân hàng chưa được thể hiện một cách đầy đủ khi vào cuối tháng 4, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Và thực tế, những khoản nợ được giãn, hoãn đó gần như là nợ xấu và là một khoản tương đối lớn.

Nhân Hà (Tổng hợp)