Với số lực lượng trực tiếp làm công tác quản lý, bảo vệ rừng chỉ có 20 người, bình quân mỗi người quản lý, bảo vệ hơn 440 ha, trong khi phương tiện và công cụ hỗ trợ để phòng chống phá rừng, cháy rừng hầu như rất hạn chế và thô sơ, rừng núi lại hiểm trở, phần lớn xa khu dân cư thì việc giữ để rừng không bị chặt phá, lấn chiếm sử dụng trái phép và đốt rừng làm nương rẫy là điều rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hà, Phó giám đốc lâm trường Buôn Ja Wầm, Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Những người trực tiếp làm công tác QLBV rừng như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong quá trình tuần tra, đi lại, về mùa nắng hay mưa gió thì đều rất vất vả. Đặc biệt là bây giờ, người dân di cư ngoài kế hoạch vào, người ta sinh sống giữa rừng, họ phá rừng lấy đất sản xuất, họ ở gần rừng thì mình rất khó ngăn chặn, mình ko thể quản lý được những con người đó”.
Nhiều năm qua, trong lâm phần của công ty TNHH Buôn Ja Wầm quản lý, bảo vệ đã xảy ra nhiều điểm nóng về phá rừng, trong đó, nóng nhất là tại các tiểu khu 540 và 544. Từ năm 1997 đến nay đã có hàng trăm hộ dân di cư ngoài kế hoạch từ phía Bắc vào lập làng và đã phá hàng trăm hec-ta rừng của công ty để lấy đất dựng nhà, lập vườn trái phép. Thế nhưng, điều mà công ty được phép làm cũng chỉ là nắm chắc số diện tích rừng đã bị chặt phá rồi thống kê, báo cáo cho hạt Kiểm lâm và chính quyền sở tại xử lý. Còn việc lập biên bản phạm pháp quả tang đối với các đối tượng vi phạm, hay tạm giữ, bắt giữ các đối tượng vi phạm đều là những việc không hề dễ dàng và vượt quá thẩm quyền của công ty.
“Về phần quản lý, bảo vệ rừng, thực tế là chức năng, quyền hạn của những đơn vị chủ rừng như chúng tôi rất giới hạn. Chúng tôi không có quyền bắt người, do đó khi phát hiện ai đó có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép hay vận chuyển lâm sản trái phép... thì chúng tôi chẳng làm gì hơn được ngoài việc lập biên bản. Thế nhưng lập biên bản cũng không dễ. Biên bản lập rồi mà họ không ký hoặc họ khai man tên, tuổi thì mình cũng thua. Vì vậy, mỗi khi phát hiện được những đối tượng phá rừng mà chúng tôi muốn đưa họ về trụ sở công ty thì phải nhờ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Thế nhưng thực tế mà nói là vì hiện trường quá xa nên lực lượng chức năng ứng phó không thể kịp thời. Trong khi không ít người vi phạm lại có hành vi rất manh động. Do đó, chúng tôi cũng chỉ biết tuyên truyền, vận động là chính chứ cũng không biết làm gì hơn. Chúng tôi là những người quản lý, bảo vệ rừng nhưng cũng chẳng có công cụ hỗ trợ gì cả, mà có cũng không chẳng dám dùng...” Ông Nguyễn Văn Hà, Phó giám đốc lâm trường Buôn Ja Wầm, Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm.
Theo lãnh đạo Lâm trường Buôn Ja Wầm, nhiều năm qua đã có rất nhiều vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng của đơn vị để lấy đất sản xuất và làm nhà ở trái phép bị đơn vị phát hiện, ngăn chặn, báo cáo và đề nghị các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương xử lý, song đến nay nhiều vụ đã rơi vào im lặng rất khó hiểu (!?)
Từ thực tế này, đơn vị chủ rừng gần như đơn phương độc mã trong việc giữ rừng. Có lẽ vì thế, những kẻ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép ngày càng coi thường pháp luật, dẫn đến rừng và đất rừng đã được giao cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm quản lý, sử dụng nhưng công ty cũng đành bất lực trước nạn phá rừng.
Đứng trước tình hình phức tạp về công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là tình trạng phá rừng làm nương rẫy vẫn còn diễn ra, Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đã tăng cường thêm nhân lực cũng như trang thiết bị để bảo vệ những khu vực rừng trọng yếu. Đồng thời, công ty cũng đã tổ chức lực lượng thường xuyên tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, mai phục, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản và lấn chiếm, sử dụng đất rừng trái phép, nhất là tình trạng đốt, phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.
Như vậy, để hỗ trợ chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng ở địa phương từ xã, đến tỉnh cần phải vào cuộc. Trong trường hợp cần thiết phải lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, nhằm xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; kiên quyết thu hồi đất rừng đã bị lấn chiếm trái phép, đồng thời buộc trồng lại rừng đối với những diện tích rừng đã bị phá.
Nguyễn Hiếu