Với ngân hàng việc giảm lãi suất cho vay là thách thức không hề nhỏ
Quyết định giảm lãi suất được 4 ngân hàng thương mại nhà nước chính thức áp dụng vào ngày hôm qua (10/1) như một món quà mà ngành này gửi đến doanh nghiệp nhân dịp đầu năm mới. Với mỗi doanh nghiệp, mức giảm 0,25 - 0,5%/năm lãi suất với khoản vay có thể không phải là quá lớn, song với ngân hàng, đây là sự “hy sinh” đầy trách nhiệm.
Hiện nay, chỉ riêng 4 ngân hàng lớn đã chiếm gần nửa quy mô tín dụng của cả nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên chiếm 30 - 50%. Điều này đồng nghĩa, chỉ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên, thì ngân hàng đã giảm hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận.
Cụ thể, VietinBank ước tính sẽ giảm khoảng 700 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi với Agribank, con số này lên tới cả ngàn tỷ đồng, bởi đây là ngân hàng cấp tín dụng cho nhiều lĩnh vực ưu tiên.
Thực tế, bản thân nhiều ngân hàng lớn cũng đang phải đau đầu khi đối phó với nhiều vấn đề nội tại như xử lý nợ xấu, tăng vốn… Dù vậy, những ngân hàng này vẫn đi đầu giảm lãi suất, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong nỗ lực đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, tất cả vì mục tiêu chung là hỗ trợ phát triển kinh tế.
Cần phải nói rằng, vài năm gần đây, doanh nghiệp và ngân hàng không còn là hai đường thẳng song song, bởi ngân hàng đã luôn thể hiện được vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp. Điều này có được một phần nhờ sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ về tạo lập môi trường vĩ mô ổn định, một phần do bản thân các ngân hàng thương mại cũng đang chuyển hướng mạnh mẽ.
Nhìn lại năm 2018, thị trường tài chính toàn cầu thay đổi chóng mặt, lạm phát và lãi suất ở nhiều khu vực gia tăng, xu hướng thắt chặt tiền tệ diễn ra ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã phải tăng mạnh lãi suất, đẩy lạm phát lên cao. Song năm 2018, thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định, mặt bằng lãi suất hầu như không tăng so với đầu năm, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức 3,54%. Sự ổn định của chính sách tiền tệ là một trong những điểm sáng lớn nhất của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Không phải ngẫu nhiên, mà năm 2018 đã có hơn 131.200 doanh nghiệp thành lập mới, chưa kể hàng chục ngàn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, điều này có được là nhờ một phần không nhỏ đóng góp của tín dụng ngân hàng. Thời gian qua, không chỉ ngân hàng thương mại nhà nước, mà cả ngân hàng tư nhân cũng có nhiều động thái chia sẻ với nền kinh tế, với doanh nghiệp.
Những năm gần đây, cam kết về chính sách tiền tệ được ngành ngân hàng triển khai nghiêm túc, lời hứa ổn định lãi suất hay giảm lãi suất được các ngân hàng tôn trọng. Điều này làm tăng thêm sự tin tưởng của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào chính sách tiền tệ nói riêng và môi trường vĩ mô nói chung. Đây là cơ sở để niềm tin về lãi suất ổn định năm 2019 tiếp tục được duy trì, để nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững.
Với ngân hàng thương mại, giảm lãi suất cho vay là một trong những thách thức không nhỏ khi thực hiện mục tiêu về lợi nhuận, song cũng là một “phép thử” để cơ cấu lại doanh thu theo hướng giảm dần phụ thuộc vào tín dụng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước ngày càng kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng. Sự chuyển đổi này đã diễn ra ở một số ngân hàng. Đơn cử, năm 2018 vừa qua, Vietcombank, Agribank… đều đạt lợi nhuận kỷ lục, nhưng không phải nhờ tăng lãi suất, trong khi đây lại là những ngân hàng tiên phong giảm lãi vay cho doanh nghiệp. Sự giảm hụt nguồn thu từ lãi suất được bù đắp bằng cách tăng lượng khách hàng, tăng thu dịch vụ, tăng thu hồi nợ xấu…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Từng doanh nghiệp phồn vinh, từng ngân hàng lớn mạnh, phát triển tốt sẽ đóng góp cho sự phồn thịnh của nước nhà”. Có lẽ, các ngân hàng đã thấu hiểu rằng, doanh nghiệp phồn vinh, đất nước phát triển, thì ngân hàng mới phát triển. Và có lẽ, các ngân hàng cũng hiểu rằng, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ là trách nhiệm của mình với nền kinh tế, mà còn là chiến lược “đường dài” để hệ thống ngân hàng phát triển bền vững hơn.
Hà Tâm