Tại buổi tiếp kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng được gặp gỡ các đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - tổ chức đại diện cho cộng đồng rất lớn các doanh nghiệp đang chung tay xây dựng và phát triển nền kinh tế của đất nước.
Điểm lại những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước cũng như nhiều hoạt động có ý nghĩa khác, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao thành tích, kết quả công tác mà Hiệp hội đã đạt được cùng những đóng góp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo những điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động và phát triển. Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt, đặc biệt là hậu quả của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu đến nay vẫn còn rất nặng nề.
Luật sư Lê Nguyên Hoà – Giám đốc Điều hành Công ty Luật TNHH LHLegal là một trong số doanh nhân tiêu biểu được phát biểu tại sự kiện quan trọng và ý nghĩa này. Ông cho biết: Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới là một bước ngoặt quan trọng, khẳng định vai trò then chốt của doanh nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nghị quyết này đã mang lại những kết quả tích cực, tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, để Nghị quyết 41 thực sự đi vào cuộc sống và tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, cần cụ thể hóa thêm các chính sách, hành lang pháp lý. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, tránh tình trạng xử lý hình sự không cần thiết trong các tranh chấp kinh tế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng hơn.
Bên cạnh đó, vấn đề gánh nặng thanh tra, kiểm tra cũng có sự cải thiện. Cụ thể, theo Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023, gần 7% doanh nghiệp bị thanh tra và kiểm tra ba lần trong năm, giảm nhẹ so với mức 7,4% vào năm 2022 và 9,9% vào năm 2021. Tình trạng nhũng nhiễu trong thanh kiểm tra đã giảm xuống gần 7% vào năm 2023, từ 9,6% vào năm 2022 và 13,8% vào năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết nội dung thanh tra kiểm tra bị trùng lặp tăng nhẹ từ 6,7% năm 2022 lên 8,5% vào năm 2023. Theo ông Hòa, vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả trong quá trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt cần có những giải pháp cải thiện vấn đề chồng chéo trong các cuộc thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan khác nhau.
Để khắc phục những vấn đề này, cần có sự điều chỉnh trong quy định pháp luật, đảm bảo tính thống nhất và minh bạch trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, cần tăng cường đối thoại giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, để lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Ngoài các vấn đề đã nêu, ông Hòa cho rằng còn nhiều chính sách cần được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nhân phát triển. Đầu tiên, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn và thị trường. Chính phủ cũng cần thúc đẩy phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật số, để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; chính sách về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mũi nhọn và công nghệ cao, cũng cần được ưu tiên; tạo ra môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, công bằng, giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư và phát triển. Từ đó, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Vân Nguyễn