Bài liên quan |
Quảng Nam: Đa dạng sản phẩm từ dừa trái xứ đảo |
Diễn đàn xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, do UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Cục Hợp tác Quốc tế và Hiệp hội Dừa Việt Nam tổ chức, đã diễn ra vào ngày 18/12 tại thành phố Mỹ Tho. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dừa trong và ngoài nước, nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy mối liên kết để xây dựng ngành dừa Việt Nam phát triển bền vững.
Ngành dừa Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến đáng kể với diện tích trồng tăng gần 200.000 ha, mang lại sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nội địa, dừa còn trở thành mặt hàng xuất khẩu tiềm năng với kim ngạch dự kiến đạt trên 1 tỷ USD trong năm nay. Hiện cả nước có 25 tỉnh, thành áp dụng mô hình trồng dừa chuyên canh, trong đó khoảng 80% diện tích cây cho trái, mở ra triển vọng lớn cho ngành hàng này.
Để trái dừa và các sản phẩm từ dừa xuất khẩu bền vững |
Tuy nhiên, ngành dừa đang đối mặt với nhiều thách thức. Tại diễn đàn, các đại biểu đã chỉ ra rằng việc xây dựng thương hiệu, đầu tư vào chế biến sâu, thiết lập chuỗi liên kết bền vững và phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu vẫn còn hạn chế. Sản phẩm từ dừa không chỉ dừng lại ở dầu hay đường mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như năng lượng sinh học, đòi hỏi sự đầu tư bài bản và chiến lược rõ ràng. Việc phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thay vì chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô như hiện nay.
Bên cạnh đó, chất lượng trái dừa ở một số địa phương chưa ổn định, năng suất thấp và không đồng đều, đồng thời chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn mặn. Mặc dù giá dừa nguyên liệu đang ở mức cao, nguồn cung vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải thiện năng suất và chất lượng trái dừa thương phẩm.
Trong bối cảnh toàn cầu, chỉ 179 quốc gia có sản phẩm dừa để xuất khẩu trong số 225 quốc gia có nhu cầu. Đáng chú ý, chỉ có 5-6 quốc gia như Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Hà Lan chiếm trên 90% sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, so với một số loại cây trồng khác, dừa vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao và chính sách hỗ trợ người trồng dừa tại Việt Nam còn hạn chế. Dừa cũng đang phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh, làm gia tăng thách thức cho ngành.
Các đại biểu tại diễn đàn nhấn mạnh rằng ngành dừa cần được đầu tư hơn nữa để không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn xây dựng ngành hàng này trở thành một lĩnh vực bền vững, tích hợp đa giá trị và góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn – một xu thế tất yếu của thế giới. Các giải pháp và chính sách hỗ trợ đã được thảo luận nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, phát triển chuỗi giá trị từ chế biến đến xuất khẩu, và kết nối các đối tác trong và ngoài nước. Những sáng kiến và kinh nghiệm từ các mô hình thành công cũng được chia sẻ để định hướng cho sự phát triển lâu dài và bền vững của ngành dừa Việt Nam.