Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, giá nhập khẩu gỗ thông trong tháng 3/2022 là hơn 300 USD/m3, tăng gần 100 USD/m3 so với năm 2021. Căng thẳng Nga – Ukraine sẽ có thể làm nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga bị co hẹp, điều này tạo ra sự thiếu hụt gỗ nguyên liệu trên quy mô toàn cầu trong tương lai.
Một phần của sự thiếu hụt này có thể được bù đắp bằng việc gia tăng nguồn cung hiện tại từ EU và Hoa Kỳ nơi có các loài gỗ tương đồng với các loài từ Nga. Tuy nhiên, việc thiếu hụt về lượng cung có thể tạo ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia nhập khẩu gỗ nguyên liệu; trong đó, có Việt Nam.
Hiện nay, các DN gỗ đang tìm nguồn nguyên liệu trong nước và các nước khác để bù lại. Hoa Kỳ là thị trường đã tăng nguồn cung nguyên liệu gỗ cho Việt Nam thêm khoảng 34% trong gần 3 tháng qua. Đồng thời, các DN phải đàm phán lại với các đối tác chuyển sang các loại gỗ khác có sẵn trong nước như gỗ tràm, cao su…
Ông Nguyễn Nị, Chủ tịch Hiệp Hội dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi cho biết, tỉnh mới bước vào đầu mùa khai thác gỗ keo, nhưng nhiều hộ dân, chủ rừng đang dừng khai thác do giá thu mua liên tục giảm.
Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển, phát sinh tăng theo giá xăng nên các chủ rừng “đóng cửa” chờ giá thu mua hợp lý mới khai thác trở lại. Điều này khiến các doanh nghiệp rất khó thu mua được gỗ nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu.
Giá dầu tăng cũng kéo theo nguyên vật liệu đầu vào đều tăng. Cộng thêm sự gián đoạn hoặc chi phí tăng thêm của chuỗi cung ứng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngành gỗ. Đến nay, giá gỗ đã tăng tới 55% so với trước khi xảy ra căng thẳng.
PV