Giá khí đốt tăng gây ảnh hưởng một số ngành công nghiệp nặng và chuỗi cung ứng

17:09 23/09/2021

Giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục trên toàn cầu đã làm gián đoạn nhiều hoạt động cung ứng trong một số lĩnh vực như phân bón, hóa chất, thực phẩm, đồ uống do nhiều công ty phải cắt giảm sản lượng.

Một số công ty, trong đó có các công ty sản xuất thép, phân bón và thủy tinh, đã phải tạm ngừng hoặc giảm sản xuất ở châu Âu và châu Á do giá năng lượng tăng vọt. Hai trong số các nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, cho biết, họ sẽ cắt giảm sản lượng ở châu Âu. Hôm thứ Ba, chính phủ Anh cho biết, đã đồng ý cung cấp hỗ trợ của nhà nước cho một công ty sản xuất phụ phẩm carbon dioxide sử dụng trong sản xuất thực phẩm, để ngăn chặn tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Giá khí đốt tự nhiên đã tăng mạnh trên toàn cầu trong những tháng gần đây. Kể từ cuối tháng Giêng, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 250% trong khi giá khí đốt ở châu Á tăng khoảng 175%. Tại Mỹ, giá khí đốt đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm và cao gấp đôi so với hồi đầu năm. Giá điện tăng mạnh do nhiều nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Những ngày gần đây, Industrial Energy Consumers of America, một hiệp hội thương mại đại diện cho các nhà sản xuất hóa chất, thực phẩm và vật liệu, đã kêu gọi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ ngăn các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ xuất khẩu khí đốt để giúp giảm chi phí năng lượng cho ngành công nghiệp. Nguồn cung cấp khí đốt bổ sung có thể làm giảm áp lực tăng giá khí đốt. Na Uy đã cho phép tăng xuất khẩu khí đốt. Nhiều nguồn cung khí đốt hơn có thể được vận chuyển từ Nga qua đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2), hiện đang chờ cơ quan quản lý mạng lưới khí đốt của Đức phê duyệt. 

  Một tàu chuyên chở LNG cập cảng. Ảnh: Tư liệu.

Cho đến nay, áp lực giá khí đốt đặc biệt nghiêm trọng ở châu Âu, nơi lượng khí dự trữ thấp hơn nhiều so với bình thường khi bước vào mùa đông. Hôm thứ Sáu (17/9), Công ty Yara International ASA của Na Uy, một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, cho biết họ sẽ cắt giảm khoảng 40% sản lượng amoniac ở châu Âu do giá khí đốt cao. Giám đốc điều hành của Yara Svein Tore Holsether cho biết, công ty đang đưa amoniac từ các cơ sở sản xuất ở những nơi khác, từ Mỹ và Úc về châu Âu. Thay vì sử dụng khí đốt của châu Âu, Yara sử dụng khí đốt của các nơi khác trên thế giới để tạo ra sản phẩm và sau đó đưa chúng vào châu Âu. 

  Nhà máy sản xuất ammonia của công ty Yara International ASA ở Porsgrunn, Na Uy. Ảnh: Reuters/Lefferis.

CF Industries Holdings Inc có trụ sở tại Mỹ cũng cho biết, giá khí đốt đã khiến họ phải tạm dừng hoạt động tại hai trong số các nhà máy ở Anh. Khí tự nhiên là nguyên liệu đầu vào chi phí quan trọng nhất đối với các hóa chất và phân bón gốc nitơ. Một số ngành công nghiệp đang kêu gọi các chính phủ can thiệp giúp đỡ họ. Chính phủ một số nước đã hành động để bảo vệ người tiêu dùng, như Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua một gói các biện pháp, trong đó có cả việc giới hạn giá. Hôm thứ Ba, Chính phủ Anh cho biết, đã ký một thỏa thuận kéo dài 3 tuần với CF Industries để công ty Mỹ tái khởi động việc sản xuất carbon dioxide ở Anh. Bộ trưởng Môi trường của Anh cho biết, khoản hỗ trợ của nhà nước có thể lên tới hàng chục triệu bảng Anh, cảnh báo ngành công nghiệp thực phẩm rằng giá carbon dioxide sẽ tăng mạnh. Sau thỏa thuận của Chính phủ Anh, CF Industries cho biết sẽ ngay lập tức khởi động lại sản xuất amoniac tại nhà máy Billingham. Các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng khác như thép và xi măng cũng đang gặp khó khăn.

Tổng Giám đốc Tập đoàn thép UK Steel, Gareth Stace cho biết, giá khí đốt tăng vọt trong vài tuần qua đã buộc một số nhà sản xuất thép phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian cả đêm lẫn ngày khi giá năng lượng tăng nhanh như “tên lửa”. British Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ hai của Anh cho biết, đang duy trì mức sản xuất bình thường nhưng việc tăng giá năng lượng “khổng lồ” khiến họ không thể tạo ra lợi nhuận từ thép vào những thời điểm nhất định trong ngày. Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất nói rằng họ có thể đối phó với tình hình. Tập đoàn Thyssenkrupp AG của Đức, nhà sản xuất thép lớn thứ hai châu Âu, cho biết, các cơ chế bảo hiểm rủi ro mà họ đã áp dụng để chống lại việc tăng giá năng lượng, đặc biệt là khí đốt, đã giúp họ không phải hạn chế sản xuất. Tuy nhiên, Thyssenkrupp AG bị ảnh hưởng gián tiếp vì khí công nghiệp mà họ sử dụng có liên quan đến giá điện.

The PetroTimes