Gần hết năm, Viettel Construction kinh doanh ra sao?

09:39 01/12/2022

Viettel Construction vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Theo đó, trong kỳ, Viettel Construction có doanh thu đạt hơn 2.605 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ và là mức kỷ lục kể từ khi hoạt động.

Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction, mã chứng khoán: CTR) là một thành viên thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân Đội (Viettel). CTR được nhiều người biết đến với vai trò là doanh nghiệp lắp đặt và cho thuê hạ tầng trạm phát sóng BTS.

Mới đây, CTR vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Theo đó, trong kỳ, CTR có doanh thu đạt hơn 2.605 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ và là mức kỷ lục kể từ khi hoạt động. 

Gần hết năm, Viettel Construction kinh doanh ra sao?
Gần hết năm, Viettel Construction kinh doanh ra sao?.

Sau khi trừ các chi phí, Viettel Construction lãi trước thuế 160 tỷ đồng, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Lãi ròng sau thuế thu về 128 tỷ đồng, tang gần 40% so với kết quả đạt được quý 3 năm ngoái.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của Viettel Construction đạt 5.156 tỷ đồng, tăng đến 30% so với đầu năm. Về chất lượng khối tài sản, CTR đang đối diện thực trạng các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh, thêm hơn 650 tỷ đồng so với đầu kỳ lên mức 2.265 tỷ đồng, chiếm gần 44% tổng tài sản.

Trong đó, phải thu khác hàng ngắn hạn chiếm hơn 1.400 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ so với đầu năm. Theo giải trình của CTR, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng chủ yếu có hơn 564 tỷ từ khách hàng trong Tập đoàn Viettel và hơn 877 tỷ khách hàng ngoài Tập đoàn Viettel.

Số lượng hàng tồn kho của CTR cũng tăng 16% so với đầu năm lên mức 655 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý III. Trong các hạng mục tồn kho, giá trị tồn đọng lớn nhất tập trung vào chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với giá trị 364 tỷ đồng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày cuối tháng 9/2022, CTR vẫn duy trì nợ xấu ở mức 1,39 tỷ đồng, giá trị này so với thời điểm đầu năm không thay đổi. Số tiền nêu trên đang “kẹt” tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (214 tỷ); Ban Dự án Đường Sắt đô thị Hà Nội (423 tỷ); Các đối tượng khác (752 tỷ).

Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của CTR tăng 38% lên mức 3.658 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,4 lần. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm đến 93% khối nợ. Trong kỳ, vay và nợ thuê tài chính của CTR đạt mức 575 tỷ đồng.

Trong đó, vay nợ ngắn hạn tăng hơn 11 lần từ mức 30 tỷ thời điểm đầu năm lên 348 tỷ thời điểm cuối tháng 9. Chủ nợ lớn nhất trong các khoản vay ngắn hạn của CTR là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – CN Thành Công.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, do hàng tồn kho, tăng các khoản phải thu, tiền lãi vay, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền chi cho kinh doanh nên dòng tiền kinh doanh của CTR hao hụt gần 50% so với thời điểm đầu năm, về mức 316 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư âm 686 tỷ do mua sắm, xây dựng tài sản cố định và cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác.

Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính cho thấy CTR tăng vay so với thời điểm đầu năm và thu được 430 tỷ đồng. Kết quả lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 67 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm 20 % về mức 600 tỷ đồng.

PV (t/h)