Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei tại Tokyo (Nhật Bản), ông Phạm Minh Tuấn - Tổng Giám đốc FPT Software cho biết, FPT sẽ đầu tư 200 triệu USD mở rộng hoạt động tại Nhật Bản, cung cấp dịch vụ đám mây và AI phục vụ chuyển đổi số.
Ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ, FPT Software sẽ không chỉ cung ứng nguồn nhân lực mà cả hạ tầng điện toán GPU để tạo ra các giải pháp AI tiên tiến cho thị trường Nhật Bản.
“AI là một trong những động lực tăng trưởng của chúng tôi”, ông Tuấn cho hay.
Đáng chú ý, việc FPT đẩy mạnh đầu tư vào AI tại Nhật Bản còn gắn liền với mối quan hệ hợp tác chiến lược với Nvidia, nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ. Vào tháng 4, FPT đã công bố hợp tác với Nvidia để xây dựng nhà máy AI tại Việt Nam và phát triển hợp tác toàn cầu. Theo ông Tuấn, FPT dự kiến ra mắt các dịch vụ mới tại Nhật Bản vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm 2025, với việc triển khai trung tâm dữ liệu tại Nhật Bản từ tháng 12 năm 2024.
Khoản đầu tư 200 triệu USD này, theo ông Tuấn, là "cam kết đầu tiên" và sẽ được giải ngân vào cuối năm 2024. Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề cập đến kế hoạch tuyển dụng của FPT Japan. Tính đến tháng 3, công ty có 3.500 nhân viên và vẫn đang tuyển dụng. Công ty sẽ đạt 4.000 người, và nếu có thể tăng trưởng 40% như những năm trước thì FPT Japan sẽ có 5.000 người vào năm tới. Hiện nay, 63% nhân viên của FPT Japan là người Việt Nam và 31% là người Nhật.
Mục tiêu chính của các dịch vụ AI của FPT là chuyển đổi số các tổ chức tài chính tại đất nước mặt trời mọc. Ông Tuấn giải thích lý do ra mắt dịch vụ mới: “Họ có rất nhiều dữ liệu. Làm thế nào để kiếm tiền từ dữ liệu đó và tạo ra giá trị mới thông qua khai thác dữ liệu là điều quan trọng. AI và các công nghệ mới nhất với mô hình ngôn ngữ lớn hoặc mô hình tầm nhìn lớn có thể hỗ trợ khách hàng nhận ra giấc mơ của họ nhưng đòi hỏi nguồn điện toán lớn”.
FPT Japan, công ty con 100% của FPT Software, đã chính thức mở một văn phòng mới tại tòa nhà 42 tầng ở Mita, Tokyo. Việc mở rộng văn phòng này là một phần trong chiến lược tăng cường hiện diện của FPT tại Nhật Bản, thị trường chủ chốt của tập đoàn từ những ngày đầu thành lập.
Nhật Bản đã và đang là thị trường quan trọng của FPT, chiếm 38% tổng doanh thu của bộ phận phần mềm trong năm 2023. FPT có mạng lưới khách hàng lớn tại Nhật Bản, bao gồm nhiều tập đoàn hàng đầu như KDDI, Itochu, Panasonic ITS, và Microsoft Japan. Để duy trì và phát triển vị thế tại thị trường này, FPT đã mua lại NAC, một công ty công nghệ có trụ sở tại Tokyo vào tháng 3 năm 2023, nhằm tăng cường hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, ông Tuấn cho biết, muốn FPT Japan trở thành công ty đứng thứ 20 tại Nhật Bản, Nhật Bản sẽ duy trì vị trí số 1 với FPT Softwware và sẽ đóng góp 35-50% trong tương lai để giữ tỷ lệ cân bằng với các thị trường khác.
Đại diện FPT Software cũng nhấn mạnh thêm khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Nhật khi làm việc với các công ty bản địa là một điểm mạnh của công ty. Theo Nikkei, hầu hết nhân sự FPT Software đều thành thạo tiếng Nhật vì hơn một nửa sống ở đây trước khi gia nhập FPT. Gần 800 nhân viên biệt phái từ Việt Nam được học tiếng Nhật.
So sánh với các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Tuấn cho biết: “Nếu làm cho FPT, họ không chỉ học lý thuyết mà có thể trưởng thành mỗi ngày thông qua học hỏi từ khách hàng, đồng nghiệp, dự án thực tế và công nghệ mới nhất. Đó là triết lý của chúng tôi. Giá trị cốt lõi của FPT là tốc độ, chúng tôi luôn muốn rút ngắn thời gian học hỏi của họ”.
Với khoản đầu tư lớn và tầm nhìn chiến lược rõ ràng, FPT đang sẵn sàng để trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Nhật Bản, đồng thời duy trì và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược với các tập đoàn lớn trên thế giới.
Mai Anh