Đưa sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài

15:37 17/12/2020

Tham gia vào hệ thống phân phối của các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững của DN Việt Nam. Với sự hỗ trợ của các Tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp trên toàn thế giới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Thúc đẩy tham gia các mạng phân phối nước ngoài

Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các Tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, nội thất, dệt may...  đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp trên toàn thế giới.  Xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”. Đây là Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3 tháng 9 năm 2015, giao Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Tập đoàn phân phối nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam như: WalMart, AEON, Central Retail, Lotte, Mega Market tổ chức hàng loạt hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các DN xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể, từ năng lực sản xuất, năng lực phát triển sản phẩm, thị trường, đến kết nối giao thương cho DN với người mua hàng, để đưa hàng Việt trực tiếp thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài.

Đánh giá hiệu quả của Đề án, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trong hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020” đã cho biết: " Từ khi Đề án được triển khai, nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về một mô hình kinh doanh mới đã ngày càng sâu sắc hơn. Doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu của thị trường quốc tế một cách kịp thời, phát triển được các sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong các chuỗi cung ứng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ cung ứng."

hứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trong hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trong hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”.

Thứ trưởng cũng chia sẻ thêm: "Trải qua 5 năm triển khai Đề án, các Tập đoàn phân phối nước ngoài đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương, và thông qua Bộ Công Thương phát triển hợp tác với một số địa phương, không chỉ góp phần thúc đẩy kim ngạch hàng xuất khẩu Việt Nam trong hệ thống của Tập đoàn ở nước ngoài mà còn hướng đến mục tiêu lớn hơn là xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững. Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020” đã được Chính phủ và Bộ Công Thương đánh giá là một Đề án quan trọng và mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp một phần không nhỏ việc thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước".

Định hướng cho giai đoạn tiếp theo

Hướng tới tiếp tục triển khai hoạt động này trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ: Tiếp tục nỗ lực phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của Đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang có hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, các địa phương lựa chọn đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt để đưa vào hỗ trợ trong các hoạt động của Đề án; Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này; Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; Tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), định hướng cho giai đoạn tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang có hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới có những xáo trộn và đứt gẫy
Trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới có những xáo trộn và đứt gẫy.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động sâu sắc tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới có những xáo trộn và đứt gẫy, hơn bao giờ hết giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày như nông sản, thực phẩm... là nhu cầu cấp thiết của các Tập đoàn phân phối cũng như của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

"Tôi rất kỳ vọng trong thời gian tới, các Tập đoàn Central Retail, Wal Mart, AEON, Lotte và Mega Market sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh, với vai trò Đối tác chiến lược của Bộ Công Thương để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hay nói cách khác là đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng nguồn cung phong phú, lâu dài cho bản thân mình. Tôi tin tưởng rằng, với sự phối hợp bài bản và hiệu quả của các bên tham gia, chúng ta sẽ xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh có khả năng thâm nhập ngày càng sâu vào hệ thống phân phối khu vực và thế giới", Thứ trưởng cho biết thêm. 

Warmart là chuỗi bán lẻ lớn nhất của Mỹ, hiện có mặt tại 27 quốc gia, tổng doanh thu của tập đoàn này trong năm 2018 đạt trên 500 tỷ USD với số lượng khách hàng phục vụ bình quân 270 triệu khách/tuần.

 AEON là hệ thống bán lẻ lớn nhất và lâu đời nhất tại Nhật Bản, thành lập từ năm 1758, với 16.498 trung tâm và cửa hàng tại Nhật và các nước khu vực Châu Á (Trung quốc, Malaysia, Indonesia, Việt Nam...).

Central Retail là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan với hệ thống cửa hàng ở nhiều nước trong khu vực Châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Châu Âu như Đức, Ý, Đan Mạch.

Lotte là Tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện tại Tập đoàn Lotte Hàn Quốc có mặt tại 22 quốc gia trên thế giới.

MM Mega Market Việt Nam (MMVN) Nam thuộc Tập đoàn BJC Thái Lan. MMVN đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế cũng như sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam với doanh thu năm 2019 là 13.352 tỷ VND. Từ năm 2018, MMVN bắt đầu chú trọng vào hoạt động xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam, chủ yếu mặt hàng nông sản sang Thái Lan, Singapore.

Bảo Trinh