Đồng USD trên đà chứng kiến mức tăng mạnh theo tuần (Ảnh: Reuters). |
Đồng USD đang trên đà ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong tuần vào thứ Sáu (15/11), đạt gần mức cao nhất trong vòng một năm, khi phát biểu mang tính "diều hâu" của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đẩy lợi suất trái phiếu ngắn hạn tăng cao, khiến thị trường chứng khoán Phố Wall và châu Âu chìm trong sắc đỏ.
Theo đó, vào tối thứ Năm (14/11), Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, không cần vội vàng cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng, thị trường lao động vững mạnh và lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2%. Động thái này làm giảm kỳ vọng về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng sau của Fed.
Ngoài ra, điều này đã hỗ trợ đồng USD tăng giá mạnh trên diện rộng, đặc biệt so với đồng euro, khi kỳ vọng về chính sách nới lỏng tích cực hơn ở châu Âu tiếp tục gây áp lực lên đồng tiền chung vốn đã giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng một năm qua.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD chuẩn bị đạt mức tăng hàng tuần 1,7% so với các đồng tiền chính. Theo đó, đồng euro chịu áp lực nặng nề, giao dịch ở mức 1,0541 USD và giảm 1,7% theo tuần.
Đồng USD đã tăng giá liên tiếp trong năm ngày so với đồng yên, tiếp tục tăng 0,1% lên 156,36, mức cao nhất kể từ tháng 7. Tuy nhiên, phe bán đồng yên vẫn thận trọng khi Bộ Tài chính Nhật Bản duy trì cảnh báo về hành động chống lại các biến động tiền tệ quá mức. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng thông báo Thống đốc Kazuo Ueda sẽ phát biểu vào thứ Hai tới (18/11), được kỳ vọng sẽ gợi ý về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo.
Chỉ số DXY (Chỉ số sức mạnh đồng USD) chuẩn bị đạt mức tăng 1,7% theo tuần, tạo áp lực lên các đồng ngoại tệ và các thị trường nói chung (Ảnh: Tradingview). |
Tại Mỹ, ngay trước khi ông Powell phát biểu, dữ liệu chi phí sản xuất (PPI) lõi cho thấy mức tăng nhẹ so với dự kiến, khiến thị trường tiếp tục lo ngại về tốc độ nới lỏng sắp tới.
Goldman Sachs dự báo về rủi ro cao hơn khi Fed có thể giảm tốc độ nới lỏng, có thể ngay tại các cuộc họp tháng 12 hoặc tháng 1, trong khi JPMorgan vẫn kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm vào tháng 12 nhưng có thể điều chỉnh tốc độ nới lỏng từ tháng 1 năm sau.
Kyle Rodda, nhà phân tích cấp cao tại Capital.com, nhận định: "Sau sự phấn khích ban đầu từ tác động của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lên kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp, thị trường đang dần mất hứng thú do bất ổn lớn hơn về lãi suất, đặc biệt khi bước sang năm tới".
Tác động tới thị trường chứng khoán và hàng hóa
Vào thứ Sáu (15/11), hợp đồng tương lai Nasdaq giảm 0,4%, hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 0,3%, trong khi EUROSTOXX 50 giảm 0,4%. Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản tăng 0,4% nhưng vẫn giảm 4,1% theo tuần, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 6/2023. Trong khi đó, chỉ số Nikkei của Tokyo tăng 0,7% nhờ đồng yên yếu, giúp cải thiện triển vọng cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản.
Cổ phiếu Trung Quốc thu hẹp đà giảm sau khi dữ liệu chính thức cho thấy doanh số bán lẻ đã tăng 4,8% trong tháng 10 và vượt kỳ vọng, nhưng sản lượng công nghiệp tăng trưởng thấp hơn dự báo và đầu tư vào bất động sản tiếp tục giảm sâu. Ngoài ra, chỉ số blue-chip Trung Quốc cũng giảm 0,2%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,5%.
Đồng USD tăng cao đã gây áp lực lên giá hàng hóa, với giá vàng giảm 4,4% trong tuần xuống còn 2.565,18 USD, nâng mức giảm trong tháng lên tới 6,5%.
Giá dầu cũng giảm trong tuần. Hợp đồng tương lai dầu Brent ghi nhận mức giảm 2,8%, giao dịch gần mức 71,79 USD/thùng.