Đồng Nai: Tích cực hỗ trợ kết nối cung – cầu cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

11:49 07/12/2021

Các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, và kết quả cho thấy, các DN trong nước ngày càng nhận được sự tín nhiệm của khách hàng, do đó cơ hội bán hàng cho các DN FDI và xuất khẩu ngày càng rộng mở.

 

Ảnh minh họa/ Nguồn ảnh baocongthuong
Ảnh minh họa/ Nguồn ảnh baocongthuong. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 tăng 6,06%

Số liệu thống kê cho thấy, lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,4% so với cùng kỳ (mục tiêu cả năm của tỉnh là tăng 7-8%). Trong đó, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,27%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,97%; ngành khai khoáng tăng 1,54%; các ngành công nghiệp cấp II có chỉ số tăng cao hơn bình quân chung, bao gồm: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, trừ máy móc, thiết bị (+10,85%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (+7,71%); sản xuất trang phục (+7,42%); sản xuất xe có động cơ (+7,39%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (+7,37%); dệt (+5,35%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+4,93%).

Ngành khai khoáng tăng 9,57%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 9,65%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,67%.

Hầu hết các ngành công nghiệp cấp II đều có chỉ số tăng so với tháng trước. Các ngành có chỉ số tăng cao hơn bình quân chung gồm có: sản xuất kim loại (+15,12%); sản xuất sản phẩm thuốc lá (+10,1%); sản xuất giường, tủ, bàn ghế (+9,51%); sản xuất thiết bị điện (+8,05%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ (+7,99%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (+7,64%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+7,07%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (+6,34%).

Theo Sở ghi nhận, nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 11/2021 đạt mức tăng khá so với tháng trước là do các doanh nghiệp sau thời gian dài ngưng sản xuất để phòng chống dịch thì nay đã tái sản xuất trở lại, và tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết. Đồng thời, nhu cầu xuất khẩu dịp cuối năm cũng tăng cao.

Tích cực hỗ trợ kết nối cung – cầu 

Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay, trong nhóm các ngành công nghiệp mũi nhọn, tỉnh Đồng Nai xác định ngành công nghiệp công nghệ cao và ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là những ngành công nghiệp cần phát triển lâu dài.

Hiểu được mong muốn của các DN, thời gian qua, Đồng Nai đã tích cực hỗ trợ kết nối cung - cầu cho các DN CNHT. Đơn cử, tháng 4/2021, Đồng Nai và Cục Kinh tế, thương mại và công nghiệp vùng Kansai (METI - Kansai) đã ký kết hợp tác với các nội dung phát triển ngành CNHT, đào tạo và cung cấp nhân lực, lĩnh vực môi trường, tiết kiệm năng lượng…

Qua khảo sát của Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM cho thấy, nhiều DN Nhật Bản đang cần tìm nhà cung cấp cho nhiều lĩnh vực/sản phẩm như: gia công và sửa chữa khuôn nhựa, phụ kiện khuôn, gia công kim loại... Nắm bắt nhu cầu, Tổ Điều phối viên xúc tiến phát triển CNHT Đồng Nai đã thống nhất lựa chọn 40 DN có vốn đầu tư trong nước và 10 DN Nhật Bản để triển khai khảo sát. Thông qua khảo sát đã lựa chọn các DN nội có thể cung ứng linh kiện/sản phẩm cho đối tác Nhật Bản để mời tham gia hội nghị giao thương DN Việt - Nhật được tổ chức trong thời gian tới.

Cũng theo đại diện Sở Công Thương cho biết, Đồng Nai hiện có 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, với hơn 1,7 ngàn dự án thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó lĩnh vực CNHT chiếm hơn 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tỉnh phấn đấu từ năm 2021 - 2025, tỷ lệ nội địa hóa của nhóm ngành CNHT theo danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển theo quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ đến năm 2025 tăng bình quân từ 2 - 5%.

Diệu Hồng (tổng hợp)