Doanh nhân Nguyễn Văn Phúc: phải giữ uy tín đến mức đối thủ cạnh tranh cũng phải thừa nhận

09:19 21/08/2021

Doanh nhân Nguyễn Văn Phúc đến với lĩnh vực kinh doanh vì sinh kế. Dồn hết vốn liếng, ông cùng một người bạn mở cửa hàng thiết bị vật tư ngành nước. Là dân kĩ thuật chuyển sang làm ăn buôn bán, tuy ban đầu còn gặp nhiều bỡ ngỡ nhưng với bản tính chăm chỉ, chịu khó của mình, ông Phúc dần dà làm quen, thích nghi với môi trường kinh doanh. Vị doanh nhân đầy bản lĩnh, vững vàng chèo lái, đưa Dekko trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu hiện nay về cung cấp các sản phẩm sử dụng trong ngành nước và công trình xây dựng...

Ông Nguyễn Văn Phúc có một tuổi thơ vất vả. Bố mẹ mất sớm, ông học giỏi, chịu khó kiếm tiền; nhưng luôn gặp khó bởi bản tính thật thà. Tốt nghiệp Đại học năm 1985, anh về làm ở Viện Thiết kế Công Nghiệp Hoá được 7 năm thì bị nghỉ không lương. Vì sinh kế, dồn hết vốn liếng được 10 triệu đồng, ông cùng một người bạn mở cửa hàng thiết bị ngành nước. 

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Tập đoàn Dekko. Nguồn: Internet
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Tập đoàn Dekko. Nguồn: Internet.

Vốn ít, sản phẩm “lèo tèo” nên vắng khách, 2 tháng liền, cửa hàng của ông Phúc không có doanh thu. “Tôi luôn gặp khó khăn bởi bản tính thật thà”, ông Phúc tâm tình về quãng đường khởi nghiệp.

Bị dồn vào chân tường, ông Phúc quyết liều một phen. Ông đến các chủ hàng lớn xin làm đại lý bằng cách cam kết số lượng. Mặt khác, ông in tờ rơi, phát đến các cửa hàng từ Lạng Sơn đến Nghệ An, đưa mức chiết khấu thấp để kéo khách.

“Thời đó, hàng hóa khan hiếm, các mối bán buôn đều tận dụng để đẩy giá. Riêng tôi thì không. Bị cho là dại, là quá thật thà, chê tiền, tôi cũng mặc kệ”, ông Phúc nhớ lại. Ấy thế mà, nhờ chiến lược “không giống ai”, khách đến với cửa hàng ngày càng đông, giúp ông Phúc trở thành đại lý lớn tại Hà Nội chỉ trong 7 tháng.

Năm 2001, ống nhựa chịu nhiệt PPR từ Ý bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam và tiêu thụ tốt. Là kỹ sư chuyên hóa, ông Phúc nhìn ngay ra cơ hội, ông cùng các cộng sự bàn bạc và ra nước ngoài tìm mua thiết bị để sản xuất.

Gác lại thất bại trong quá khứ, ông Phúc cùng các cộng sự dồn hết tâm huyết để cho ra đời sản phẩm ống nhựa PPR mang thương hiệu của riêng mình. Do sản phẩm được đầu tư sản xuất trên dây chuyền của CHLB Đức, đạt tiêu chuẩn DIN 8077-8078 nên được đánh giá có chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu từ Ý. Đặc biệt, sản phẩm được sản xuất trong nước nên đã được công ty tối ưu hóa mọi chi phí, niêm yết mức giá bán rẻ hơn đến 40% các hãng nước ngoài. Thành quả bước đầu khiến toàn thể công ty bừng lên khí thế làm việc, vừa hăng say sản xuất vừa nóng lòng trông đợi sự phản hồi tích cực của thị trường.

Thế nhưng, sau 3 tháng khắc khoải chờ đợi, ông Phúc cùng anh em công nhân viên không khỏi thất vọng. Ống nhựa PPR của công ty ông gần như không tiêu thụ được trên thị trường, lượng hàng tồn chất đầy trong kho... Chỉ khi đến tận các đại lý tìm hiểu, ông chủ Dekko mới bàng hoàng nhận ra thương hiệu của mình đang rơi vào cuộc chiến cạnh tranh về giá với nhiều thương hiệu giá rẻ, tiêu chuẩn chất lượng thấp hơn trên thị trường.

Trước tình hình như vậy, nhiều cộng sự đề xuất phương án giảm giá để khơi thông lượng hàng tồn kho cũng như thúc đẩy tình hình kinh doanh. Thế nhưng, dưới sự phân tích chuyên môn kĩ thuật, ông Phúc nhận định: “Nếu giảm giá thành sản phẩm, công ty không thể đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ống nhựa sản xuất ra sẽ mỏng đi đồng nghĩa với việc độ bền, tuổi thọ sản phẩm sẽ giảm... về lâu dài sẽ gây tổn hại đến tổng thể chất lượng công trình”.

Vị doanh nhân đầy bản lĩnh, vững vàng chèo lái, đưa Dekko trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu hiện nay về cung cấp các sản phẩm sử dụng trong ngành nước và công trình xây dựng. Nguồn: Internet
Vị doanh nhân đầy bản lĩnh này, vững vàng chèo lái, đưa Dekko trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu hiện nay về cung cấp các sản phẩm sử dụng trong ngành nước và công trình xây dựng. Nguồn: Internet.

Không bằng lòng hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng đầu ra sản phẩm cũng như giá bán để cạnh tranh trên thị trường, ông Phúc phải đón nhận vô số khó khăn cho công ty. Hàng hóa ế ẩm không tiêu thụ được, công ty dần cạn kiệt tài chính. Nhà máy tạm ngưng sản xuất, công nhân phải chấp nhận nghỉ luân phiên. Khó khăn chồng chất khó khăn lên đôi vai ông Phúc!

Khi đó, nhiều người đề nghị trộn nhựa phế liệu vào để hạ giá thành, để cạnh tranh và bán được hàng. Nhưng ông Phúc khăng khăng: “Làm vậy chắc chắn dễ bán hơn, song ống nhựa sẽ không có độ bền và những tính năng vượt trội như đã cam kết. Không thể lừa dối khách hàng để sống được”.

Tâm niệm này của ông Phúc được đội ngũ công nhân thấu hiểu và chia sẻ. Họ chấp nhận nghỉ luân phiên và nhận lương 50% trong thời kỳ khó khăn. Song hành, ông Phúc yêu cầu đẩy mạnh truyền thông để khách hàng hiểu về sản phẩm của Dekko cũng như hệ lụy của việc sử dụng hàng kém chất lượng.

Sự kiên định của ông đã được đền đáp xứng đáng. Sau 3 tháng triển khai đồng loạt các giải pháp, lượng hàng tồn kho giảm dần, công nhân quay trở lại làm đủ ca, dòng tiền bắt đầu về. Niềm vui càng gấp bội khi một năm sau, Dekko vươn lên top đầu thị trường ống nước về doanh số bán ra. Trên đà thắng lợi, doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu và lần lượt cho ra đời các loại ống và phụ kiện nhựa mới như PPR, HDPE, uPVC…

“Quan điểm của tôi là trên sản phẩm in thế nào thì làm đúng như vậy và phải giữ uy tín đến mức đối thủ cạnh tranh cũng phải thừa nhận. Đã nói chất lượng thì đừng bao giờ chín bỏ làm mười, bởi nếu tôi đồng ý như vậy, thì chắc nhân viên của tôi sẵn sàng 6, 7, 8 cũng bỏ làm mười luôn”, ông Phúc ví von.

Khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ống nhựa, ông và những người cộng sự chọn cái tên “Dekko” - tiếng Anh, có nghĩa là tầm nhìn. Với ông, mọi việc sẽ thành công, dù có thể có nhiều khó khăn, thách thức nếu bắt đầu với một tầm nhìn dài hạn. Việc kinh doanh thì có… Dekko, việc gia đình cũng vậy, phải xác định rõ con đường của cả bố mẹ, con cái.

Ông Phúc tự nhận mình là người hướng nội. Ông tâm sự, suốt những năm tháng các con ông học phổ thông, tối tối, ông vẫn ngồi cạnh xem các con học. “Tôi giống như người bạn của các con mình. Tôi chia sẻ, trao cho con cái kiến thức, tư vấn định hướng cho con, không ép các con làm theo suy nghĩ và mong muốn của mình,”, ông nói.

Với “đứa con tinh thần” Dekko, ông Phúc đang từng bước thực hiện “tầm nhìn” mà ông ấp ủ.

Dù đã gần tuổi lục tuần, nhưng với xuất thân là dân kỹ thuật, tốt nghiệp kỹ sư Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Phúc lúc nào cũng say sưa với hai chữ cải tiến. “Nhưng cải tiến không phải ăn bớt, ăn gian đâu nhé”, ông Phúc nói.

Trà My (tổng hợp)